Gia Chánh – RƯỢU MAI QUẾ LỘ – MÌ VỊT TIỀM

Có bình Mai Quế Lộ,
Vài năm cất trong kho
Cùng với ít câu thơ
Mời bà con chiếu cố!
 
Xin hãy uống, đừng sợ!
Rượu bổ nhỏ bổ to
Rượu diệt chết âu lo
Uống rồi… ghiền luôn đó!
Trần Nguyên Hùng
 

Cách làm rượu mai quế lộ

 
  •  Cánh hồi, quế chi, nụ đinh hương, rượu trắng cùng cân lượng bỏ vào chai đậy nút kín để một tuần.

Cách nấu mì vịt tiềm

Vật liệu

  • Một con vịt bé
  • Năm (5) muỗng súp nước tương
  • Nửa (1//2) muỗng cà-phê ngũ vị hương
  • Một phần tư (1/4) muỗng cà-phê bột ngọt
  • Hai (2) lá thơm (feuilles de laurier)
  • Bốn (4) nụ đinh hương
  • Bốn (4) hoa hồi
  • Nửa (1/2) muỗng súp rượu thơm (rượu trắng, whisky, cognac hay mai quế lộ)
  • Một (1) bó cải bẹ xanh
  • Một (1) củ gừng
  • Một (1) miếng vỏ quít đã phơi khô
  • Một (1) muỗng cà-phê bicarbonate de soude
  • Một muỗng súp dầu ăn
  • Nấm đông cô (còn gọi là nấm Tống Cú) số lượng tùy thích.

Cách làm

  • Các thứ vật liệu trên, bỏ chung và ngâm cho thấm. Hôm sau đổ ra rây, giữ nước lại.
  • Lấy cọ phết đều lên mặt thịt, ướp qua đêm rồi đem chiên vàng, bỏ vào nồi nước lèo hầm khoảng hai tiếng cho nhừ.
  • Bỏ thêm vào một củ đập giập, một miếng vỏ quít khô và nấm đông cô đã ngâm mềm.
  • Nấm đông cô phải nấu cho thật nhừ nếu không sẽ có mùi hôi.
  • Nêm muối, nước tương, bột ngọt.
  • Cải bẹ xanh bỏ hết lá.
  • Đun nước thật sôi, cho vào một muỗng bicarbonate de souce, một muỗng dầu ăn.
  • Cho cải vào, trụng sơ qua (để cải vẫn còn dòn), vớt ra rổ, xối nước lạnh (để cải giữ màu xanh).

Trình bày

  • Trụng mì sợi nhỏ bằng nước sôi có thêm một chút dầu ăn. Thi Sĩ Lê Quốc Hưng dạy rằng "Mì tươi nhớ bỏ vô microwave chừng 30 giây cho mỗi vắt trước khi trụng thì sẽ dai dai…, ăn giống mì Chợ Lớn hơn. Xém quên, vắt mì nhớ gỡ rời ra nha. Ðể nguyên một "cục" mà microwave thì sẽ thành củ… khoai lang đó…" Đa tạThi Sĩ!
  • Xong trụng lại bằng nước nguội và rảy cho ráo nước.
  • Sắp mì vào tô, xếp lên trên theo tứ tự cải bẹ xanh, thịt vịt, nấm đông cô.
  • Đổ nước lèo lên vừa đủ, thêm vài cọng ngò và một chút xíu tiêu.
  • Dọn ra mời khách hay chính mình thưởng thức và không quên tự khen. 

Mì vịt tiềm thường hay ăn với đu đủ xanh thái mỏng ngâm dấm pha chút đường có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát và nhai dòn dòn.

Posted in Uncategorized | Leave a comment

TAM THẬP LỤC KẾ

1. Dương đông kích tây (Đánh lạc hướng đối phương)
Kế “Dương đông kích tây” là reo hò giả vờ như thật sự đánh vào phía đông, nhưng chủ yếu lại đánh vào phía tâỵ.
Trong tất cả mọi vấn đề của xã hội, từ chiến trường, thương trường, chính trường cho đến tình trường; nếu muốn điều này nhưng lại giả làm điều kia, nói điều này mà làm điều nọ, ấy là “Dương đông kích tây” vậỵ
Kế này mờ ảo vô song. Nó rất khó biết, khó đoán, bị đánh bất ngờ. Kế này nhằm chuyển mục tiêu để lừa dối đối phương, khiến cho địch sơ ý, lừa lúc bất ý tấn công kẻ không chuẩn bị.
Có nhiều cách thức để thực hiện kế này, như:
– Tạo tin đồn. – Làm rối tai rối mắt địch. – Buộc đối phương lo nhiều mặt. – Mê hoặc ý chí của địch. – Nghi binh. – Làm phân tán lực lượng đối phương. – Làm yếu lực lượng đối phương, lực lượng phòng vệ địch.
Nguyên tắc của “Dương đông kích tây” là bí mật và chủ động. Bị động coi như phải chịu sự khống chế của địch.
Điều kỵ khi dùng kế “Dương đông kích tây” là để lộ cơ.
Lộ cơ là mất hết khả năng phòng bị, chuẩn bị. Dù là trên chiến trường, thương trường hay chính trường cũng đều phải giữ bí mật và nắm được thế chủ động.
2. Điệu hổ ly sơn (Dụ hổ ra khỏi rừng)
Kế “Điệu hổ ly sơn” là nhử, dụ hay khuấy động làm cho con hổ ra khỏi rừng.
Kế “Điệu hổ ly sơn” có hai lối: Một là nhử hổ ra khỏi rừng để dễ dàng giết hổ. Hai là đuổi hổ đi để dễ bắt giết những loại hồ ly vẫn dựa oai hổ mà hoành hành.
3. Nhất tiễn hạ song điêu (Một mũi tên hạ hai con chim)
Kế “Nhất tiễn song điêu” là dùng một mũi tên bắn chết hai con chim.
Ý của mưu kế này là dùng sức lực tối thiểu để đạt đến hiệu quả tối đa.
4. Minh tri cố muội (Biết rõ mà làm như không biết)
Kế “Minh tri cố muội” là biết thật rõ chuyện đấy, nhưng làm ra vẻ không biết gì.
Với người xưa, đây là một triết lý xử thế rất cao, mục đích lại ẩn trốn tất cả những tiếng thị phi nghi hoặc, nhưng theo nghĩa mưu kế, nó là một thái độ thâm sâu.
Cái đức của người quân tử không thể không cho thiên hạ biết, nhưng cái mưu kế của trượng phu không thể không giấu thiên hạ.
Tóm lại, biết rất nhiều mà tỏ ra không biết một là kế “Minh tri cố muội” vậy.
5. Du long chuyển phượng (Biến rồng thành phượng)
Kế “Du long chuyển phượng” là biến cái này thành cái kia, bên trong là hình rồng đó, nhưng làm cho nó trở thành phượng.
Cái kế này rất phổ biến, trong dân gian ta gọi là “Treo đầu dê, bán thịt chó”.
6. Mỹ nhân kế (Kế dùng gái đẹp)
“Mỹ nhân kế” là dùng gái đẹp để làm xoay chuyển, thay đổi tình thế mà những cái khác không thể thực hiện được.
Giai nhân từ ngàn xưa đến nay bao giờ cũng là đề tài chính. Tuy là phái yếu, không thể vác gươm đao mà đánh giặc, nhưng các nàng có thể thắng được bằng đôi mắt biếc và nụ cười xinh đẹp.
Có những bức thành kiên cố cả mười vạn quân không hạ nổi, nhưng nó có thể bị sụp đổ bởi ánh mắt mỹ nhân.
Sức mạnh của mỹ nhân đặc biệt là có ảnh hưởng đối với người anh hùng, người có quyền thế.
7. Sấn hỏa đả kiếp (Theo lửa mà hành động)
Kế “Sấn hỏa đả kiếp” là lợi dụng lúc loạn để thao túng, lúc tình hình rối ren mà sắp xếp theo ý muốn.
Có hai loại “Sấn hỏa đả kiếp”: Một là theo lửa để mà đánh cướp. Hai là chính ta phóng hỏa mà đánh cướp.
Theo lửa tức là thừa lúc người ở trong cơn nguy biến mà ta quấy hỗn loạn thêm.
Phóng hỏa tức là chính ta gây ra sự hỗn loạn mà thực hiện theo ý muốn của ta.
Theo lửa hay phóng hỏa cùng đi chung vào một mục đích là đánh địch và đoạt của địch để tạo cơ hội cho ta.
Theo lửa thì dựa vào thời cơ sẵn có.
Phóng hỏa thì tự ta tạo ra thời cơ.
Không thể phê phán theo lửa hay phóng hỏa, cái nào hay, cái nào dở, cái nào tốt, cái nào xấu, vì cả hai giống như một sự biến ảo giữa không khí và nước.
Trong sử sách, người ta thấy tay phóng hỏa giỏi là Trương Nghi. Một mình Trương Nghi đã phá tan thế hợp tung bằng cách dối Tề, lừa Triệu, dọa Ngụy, thuyết Yên, bịp Sở.
Trương Nghi thật là con người có cái lưỡi bằng lửa thiêu đốt cả sáu nước, dựng thành cơ nghiệp thống nhất cho nhà Tần.
Khổng Minh tuy là một nhà chính trị lỗi lạc tài tình, nhưng cái thế của ông ngay từ đầu chỉ là cái thế phải theo lửa để gây vốn: Lưu Bị bị Tào Tháo đánh chạy đến cùng đường, Khổng Minh đành tính kế nương nhờ Tôn Quyền rồi ăn theo cuộc chiến tranh Nam – Bắc, ăn theo trận Xích Bích để cướp Kinh Châu.
“Sấn hỏa đả kiếp” đòi hỏi một khả năng hành động mau lẹ như con ó bắt mồi.
8. Vô trung sinh hữu (Không có mà làm thành có)
Kế “Vô trung sinh hữu” là từ không mà tạo thành có.
Thiên hạ không loạn, trật tự không rối thì làm gì có anh hào xuất lộ! Bởi lẽ đó, những anh hào thường được gọi là kẻ “chọc trời khuấy nước”. Mục đích của khuấy nước là làm rối beng sự việc lên để dễ bề thao túng. Thủ đoạn của khuấy nước là gây tiếng tăm, tung tiếng đồn, gây xáo trộn rồi dựa vào đó mà thủ lợi.
Kế “Vô trung sinh hữu” hình dung là tu hú đẻ nhờ, tổ thì chim khác làm, nhưng con tu hú cứ đến đặt trứng của nó vào đó, rồi lại nhờ loài chim khác ấp trứng luôn, khi trứng nở thành chim, tu hú con bay về với bầy tu hú.
9. Tiên phát chế nhân (Ra tay trước để chế phục đối phương)
“Tiên phát chế nhân” là ra tay trước để dành chiếm ưu thế, để đoạt lợi, để bắt lấy sự chiến thắng.
Kế “Tiên phát chế nhân” là không nói quá xa, viễn vông, mà phải nhìn vào thực tế gần nhất.
Các vụ xảy ra trong lịch sử như: Lý Thế Dân tại Huyền Vũ Môn, Võ Tắc Thiên phế lập Lư Lăng Vương, Ung Chính cướp Bảo Tòa, Từ Hi độc sát Quang Tự, Gia Cát Lượng lấy đất Quang Trung… Tất cả đều là áp dụng thủ đoạn “chớp nhoáng” không cho địch kịp trở tay, không cho dư luận phản ứng kịp.
Vẫn có câu “Tiên hạ thủ vi cường” là vậy.
10. Đả thảo kinh xà (Đập cỏ làm cho rắn sợ)
Kế “Đả thảo kinh xà” là đập vào cỏ, làm động cho rắn sợ.
11. Tá đao sát nhân (Mượn đao để giết người)
Kế “Tá đao sát nhân” là mượn dao để giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù của mình.
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Sát nhân bất kiến huyết, kiến huyết phi anh hùng”. (Giết người không thấy máu, thấy máu không anh hùng).
Trên đời dĩ nhiên chưa có kẻ nào chỉ giết người mà thành anh hùng, nhưng cũng hiếm có tay anh hùng nào không giết người. Điểm khác nhau không ở có hay không, mà ở chỗ thông minh hay ngu xuẩn. Tào Tháo mượn Lưu Biểu giết Nễ Hành, mượn lòng quân giết Dương Tu rồi lại được làm cái việc mèo già khóc chuột, thật đáng kể là một tay thông minh, gian hùng.
12. Di thể giá họa (Dùng vật gì để vu khống người ta)
Kế “Di thể giá họa” là đem xác chết hay đồ vật gì bỏ vào nhà người khác để giá họa.
Kế này thường được dùng bởi khối óc quỷ quyệt thông minh, tự mình không ra mặt mà làm cho đối phương bị hại. Như vậy gọi là “giết người không thấy máu”.
13. Khích tướng kế (Kế chọc giận tướng giặc)
“Khích tướng kế” là kế chọc giận tướng giặc, làm tướng giặc nổi giận. Nổi giận sẽ mất sáng suốt, thiếu suy nghĩ, không tự chủ được con người mình.
Mạnh Tử nói: “Nhất nộ nhi an thiên hạ”.
Trong đời có nhiều sự việc được thành tựu bằng một cơn giận và cũng có nhiều việc thất bại bởi một cơn giận.
Bởi vậy cái kế khích tướng cũng là một trong những diệu kế, nếu đạt ra thì kiến thiên hạ, cùng thì mang họa vào thân.
Khích tướng còn là khơi dậy cái hùng khí của người khác để người ấy làm việc cho ta.
Đối tượng tốt nhất của kế khích tướng là những người có tính tình bạo tháo hay sẵn sàng phẫn nộ.
Tuân Tử bảo rằng: “Lời nói khéo êm như lụa, lời nói ác nhọn như giáo mác”.
Thuyết là tiến dẫn lời nói, cái nghĩa căn bản của thuyết làm cho người ta nghe theo. Hiệu quả của thuyết rất lớn. Bởi thế mới có câu: “Thiên hạ tĩnh, nhất ngôn sử chi động. Thiên hạ động, nhất ngôn sử chi tĩnh”. (Thiên hạ đang yên lặng, một lời nói làm náo loạn. Thiên hạ đang náo loạn, một lời nói làm lắng dịu).
Căn bản mưu thuật của thuyết, theo Tuân Tử có bốn điều: Cơ, dũng, trí, biến.
– Cơ: Là xem thời độ thế, nhân lợi thuận tiện.
– Dũng: Là quyết đoán nói những điều không ai dám nói.
– Trí: Là biết rõ sự tình, tâm lý, giải quyết được thắc mắc, chế phục được người.
– Biến: Là biến hóa, trong các trường hợp bất trắc.
Mục đích của thuyết có năm điều:
– Làm cho người hiểu rõ.
– Làm cho người tin tưởng.
– Làm cho người đồng tình.
– Làm cho người phục.
– Làm cho người theo.
Đạt được năm mục đích trên thì kể như nắm chắc phần thắng trong tay.
14. Man thiên quá hải (Lợi dụng sương mù để lẩn trốn)
Kế “Man thiên quá hải” là lợi dụng lúc trời sương mù mà lẩn trốn, vượt qua hay hành động ngay trong lúc sương mù.
Man thiên, trời u ám không phải hoàn cảnh hoàn toàn bất lợi như một quẻ trong Dịch lý đã nói. Man thiên, không thể ngồi đợi nó tới như sương mù do thời tiết thiên nhiên, mà phải tạo ra nó.
Kế “Man thiên” đem áp dụng thực hiện được cả hai mặt: tiêu cực lẫn tích cực.
Tích cực là đem ánh sáng đến cho một tình thế mờ mịt.
Tiêu cực là lẩn tránh một tai họa, là lợi dụng cơ hội sơ hở của địch để thoát bí.
Ở trận Xích Bích, Khổng Minh đã giải quyết vấn đề thiếu tên bắn cho các cung thủ bằng cách lấy mười chiếc thuyền lớn chất đầy rơm, đợi lúc trời sương mù, âm thầm đến trại Tào Tháo nổi trống la hét làm như tấn công. Tào sợ ngụy kế, không dám xông ra, chỉ bắn tên như mưa vào các thuyền rơm. Bằng một đêm đánh trống reo hò, không chết một người, Khổng Minh đã lấy được của Tào Tháo cả trăm ngàn mũi tên.
15. Ám độ trần thương (Đi con đường mà không ai nghĩ đến)
Kế “Ám độ trần thương” là bí mật đưa quân qua con đường mà không ai nghĩ rằng ta sẽ đi qua.
Kế này áp dụng giữa lúc hai bên đang đấu tranh, chiến đấu với nhau.
Mỗi bên đều ra sức giấu mục tiêu thật của mình rồi đưa ra mục tiêu giả mà lừa đối phương.
Đây là công việc rất phức tạp, có một quá trình khúc triết. Như “Tôn Tử Binh Pháp” viết: “Việc binh là trá ngụy, có thể mà làm ra vẻ không có thể, dùng đấy mà tỏ ra không dùng, gần giả làm như xa, xa giả làm như gần. Lấy lợi mà dụ, gây rối mà đuổi, thấy khỏe thì tránh. Đầu tiên là làm mọi cách giảm nhược lực đối phương, sau rồi mới tiến hành dự định.
Muốn dụng kế này phải là người có tầm nhìn xa hiểu rộng và một khối óc tuyệt vời”.
16. Phản khách vi chủ (Đổi vị khách thành vị chủ)
Kế “Phản khách vi chủ” là đổi địa vị khách thành địa vị chủ.
“Phản khách vi chủ” là trong đấu tranh đang ở vào thế bị động nên phải tìm kế hoạch đến chủ động, khách vốn là địa vị bị chi phối, mọi việc đều do chủ đặt định sắp xếp.
“Phản khách vi chủ” là nguyên tắc thường dùng trong đấu tranh. Có chủ động mới khống chế được cục diện. Không có chủ động, không thể thắng lợi.
17. Kim thiền thoát xác (Ve sầu vàng lột xác)
“Kim thiền thoát xác” là con ve sầu vàng lột xác.
Kế này dùng cho lúc nguy cấp, tính chuyện ngụy trang một hình tượng để lừa dối, che mắt đối phương, đặng đào tẩu chờ một cơ hội khác.
Kế “Kim thiền thoát xác” có một phạm vi rất rộng rãi và phổ biến, bất cứ ai ở hoàn cảnh nào cũng có thể sử dụng được.
18. Không thành kế (Kế bỏ trống cửa thành)
“Không thành kế” là kế bỏ thành trống, thành bỏ ngỏ.
Kế này có hai loại:
– Một là lúc tình thế cực khẩn cấp, nguy hiểm như treo trên sợi tóc, buộc phải dùng nghi binh để lừa dối đối phương mà dựa vào đó để trốn thoát.
– Hai là rút lui với đầy đủ kế hoạch dụ cho địch quân xâm nhập rồi mới bao vây tiêu diệt.
“Không thành kế” thực ra là một cách tạo nghi âm cho đối phương, mục đích là không cho đối phương sớm có một quyết định.
19. Cầm tặc cầm vương (Dẹp giặc phải bắt tướng giặc)
“Cầm tặc cầm vương” là dẹp giặc phải bắt chúa giặc.
Phương pháp bắt chúa giặc thật thiên biến vạn hóa, không cứ bằng sức mạnh hay bằng trí khôn. Các kế khác như “Điệu hổ ly sơn”, “Mỹ nhân kế” hay “Man thiên quá hải” đều có thể dùng cho kế “Cầm tặc cầm vương”. Để đối phó với một nhân vật anh hùng, thì dù một quả đạn mà giết hay dùng mỹ nhân kế mà nhử thì cũng như nhau.
Nhưng đa số âm mưu cầm vương được hiệu quả bằng kích thích anh hùng và mỹ nhân kế.
“Tự cổ anh hùng đa hiếu sắc” là vậy.
Việt Vương thua trận rồi, mà chỉ dùng một nàng Tây Thi đã đủ giam cầm Phù Sai. Lý Viên muốn đoạt quyền của Xuân Thân Quân, nên đã cho cô em là Lý Yên sang làm tì thiếp. Đó là những cách gián tiếp để cầm vương.
20. Ban chư ngật hổ (Giả làm con heo để ăn thịt con hổ)
Kế “Ban chư ngật hổ” là giả làm con heo để ăn thịt con hổ.
Lão Tử nói: “Người cực khôn khéo mà làm ra vụng về”, cũng như câu “đại trí nhược ngu”. Người đi săn thường học tiếng heo kêu rồi tự giả làm heo để nhử con hổ.
Đối với kẻ thù, ta hãy giả ngu như một con heo, trên bề mặt cái gì cũng thuận chịu, lúc nào cũng cười, lúc nào cũng cung kính để cho địch mất hết nghi âm. Chờ thời cơ chín, tìm thấy chỗ nhược của kẻ thù mà đập đòn sấm sét.
– Dùng việc không gì quan trọng bằng bí mật.
– Hành động không gì quan trọng bằng thừa lúc bất ý.
– Dò xét không gì quan trọng bằng làm cho địch không hay biết.
– Bên ngoài ra vẻ loạn mà bên trong rất có cơ ngũ.
– Tỏ ra đói mệt nhưng thật là no khỏe.
– Làm ra ngu xuẩn nhưng rất tinh tường.
Những câu trên đây chính là căn bản lý luận của kế “Ban chư ngật hổ” vậy.
21. Quá kiều trừu bản (Qua cầu rồi phá cầu)
“Quá kiều trừu bản” là qua cầu rồi thì phá cầu, ý nói một người sau khi đã thành công, muốn hưởng thụ một mình nên giết hại hoặc xa lánh những người bạn đã đồng lao cộng khổ với mình.
Kế “Quá kiều trừu bản” thường trái ngược với kế “Ban chư ngật hổ”. Qua cầu cất nhịp là lúc đắc thời đắc thế đem thuộc hạ ra mà khai đạo. Còn giả tiếng heo là kế áp dụng giữa lúc ở vào thế kẹt.
Đứng trên lập trường đạo lý thì cất nhịp cầu là một hành động vong ân bội nghĩa.
Lưu Bang nổi danh là người qua cầu cất nhịp lớn nhất trong lịch sử. Lúc Lưu Bang hàn vi còn đi ăn cắp gà, thôi thì Bang nói đủ các điều ngon ngọt dễ nghe để tựu chúng lập đảng. Đến khi nên cơ nghiệp rồi, lo việc củng cố quyền thế, Lưu Bang chẳng ngại gì hết, đổi lại thái độ, nghi ghét triều thần.
Người thứ nhất mà Lưu Bang lôi chém là Hàn Tín, rồi đến Bành Việt, Anh Bố, bỏ tù Tiêu Hà, Trần Hi, Phàn Khoái.
Trương Lương thấy họa chẳng chóng thì chày cũng đến với mình, nên bỏ trốn lên rừng học đạo tu tiên.
22. Liên hoàn kế (Kế móc nối nhau)
“Liên hoàn kế” là nối liền với nhau thành một dây xích.
“Liên hoàn kế” còn là vận dụng một quyền thuật để tạo phản ứng dây chuyền cho đối phương hoặc gây thành phản ứng nhiều mặt.
Mỹ nhân kế là vũ khí phổ biến nhất cần thiết cho việc dùng “Liên hoàn kế”. Vì người đẹp ví như nước, anh hùng ví như bùn, nước làm cho bùn nhão ra.
Từ ngàn xưa, đa số anh hùng đã vì thương hoa tiếc ngọc nên bỏ lãng nhiệm vụ.
Tuy vậy, vẫn phải phân biệt “Mỹ nhân kế” với “Liên hoàn kế”.
Liên hoàn kế là một hình ảnh của thực tiễn, bất cứ việc gì xảy ra cũng gây thành phản ứng dây chuyền. Việc xảy ra hôm nay cũng không tự dưng mọc ra, nó phải là kết quả dây chuyền từ những sự việc trước.
23. Dĩ dật đãi lao (Lấy khỏe để đối phó với mệt)
Kế “Dĩ dật đãi lao” là lấy sự thanh thản để đối phó với hấp tấp, nhọc nhằn; dưỡng sức mà đợi kẻ phí sức.
Kế này viết ở trong thiên “Quân Tranh” của bộ “Tôn Tử Binh Pháp”: “Lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi mệt” nghĩa là trên chiến thuật phải tìm nắm trước địa vị chủ động để ứng phó với mọi tấn công của địch.
Cũng có ý nói nên chuẩn bị chu đáo, dễ dàng lấy cái thế bình tĩnh xem xét tình hình biến hóa mà quyết định chiến lược, chiến thuật. Đợi địch mỏi mệt, tỏa chiết bớt nhuệ khí rồi mới thừa cơ xuất kích.
Tôn Tử gọi thế là: “Ẩn sâu dưới chín từng đất, hành động trên chín từng trời”.
Sử dụng sách lược này đòi hỏi thái độ tuyệt đối trầm tĩnh ứng biến, đo được ý kẻ thù, hoàn cảnh kẻ thù, thực lực kẻ thù. Nếu thời cơ chưa chín thì đứng yên như trái núi. Khi cơ hội vừa tới thì lập tức lấp sông, chuyển bể.
Tư Mã Ý ngăn Gia Cát Lượng ở Kỳ Sơn.
Chu Du phóng hỏa tại Xích Bích.
Tào Tháo đại phá Viên Thiệu nơi Quan Độ.
Tạ Huyền đuổi Bồ Kiên ở Phi Thủy.
Tất cả đều lấy ít đánh nhiều, thế kém vượt thế khỏe. Tất cả đều là kết quả sử dụng tài tình sách lược “Dĩ dật đãi lao”.
24. Chỉ tang mạ hòe (Chỉ vào gốc dâu mà mắng cây hòe)
“Chỉ tang mạ hòe” là chỉ vào gốc dâu mà mắng cây hòe. Ý nói vì không tiện mắng thẳng mặt nên mượn một sự kiện khác để tỏ thái độ.
25. Lạc tỉnh hạ thạch (Ném đá vào người dưới giếng)
“Lạc tỉnh hạ thạch” là ném đá vào đầu kẻ đã rơi xuống giếng.
Rơi xuống giếng lại còn ném đá vào đầu nạn nhân. Nếu đứng trên quan điểm đạo đức Khổng – Mạnh thì phải là hành động không chính nhân quân tử, nhưng nếu coi là một mưu kế thì hành động này lại là một hành động sáng suốt.
Căn bản triết lý của “Lạc tỉnh hạ thạch” là chi phối được thì mới chiếm đoạt được, và nhân từ với kẻ thù tức là tàn nhẫn với chính ta.
Lưu Bị lúc nào hé miệng cũng nói những điều nhân từ, lúc nào cũng chảy nước mắt, nhưng ông lại là người cũng giỏi thủ đoạn “Lạc tỉnh hạ thạch” nhất.
Chẳng vậy mà khi Lã Bố vốn là người làm nhiều ân huệ đối với Lưu Bị, nào việc bắn kích ở Viên Môn, nào việc cho Lưu Bị nương tựa ở căn cứ mình… Đến lúc Lã Bố bị bắt sau khi thất trận Từ Châu, Tào Tháo trong lòng còn đôi chút thương mến muốn dụ dỗ Lã Bố, Lưu Bị ngại Tào Tháo có thêm một mãnh tướng nữa nên đã ghé tai Tào Tháo mà nhắc khéo: “Ông không nhớ chuyện Đinh Nguyên và Đổng Trác hay sao?” (Đinh Nguyên và Đổng Trác đều nhận Lã Bố làm con nuôi, nhưng đều bị chết vì tay Lã Bố.
Lưu Bị đã không kể đến ơn nghĩa, lại còn đưa đòn độc “Lạc tỉnh hạ thạch” hạ Lã Bố. Như vậy, Lã Bố làm sao khỏi chết!
26. Hư trương thanh thế (Thổi phồng thanh thế)
“Hư trương thanh thế” là thổi phồng thanh thế để cho người ta chóa mắt, nể sợ.
Đời Tam Quốc, Tào Tháo tiến xuống Giang Định, rầm rộ cả trăm vạn hùng quân. Tháo định dùng ưu thế tuyệt đối để buộc Tôn Quyền phải hàng phục. Nhưng Khổng Minh trông thấy âm mưu này nên chỉ ba vạn quân với một số mưu kế và trận gió đông đã đánh bại quân Tào.
Khi sử dụng kế này, trước hết phải xem mục đích và giá trị của nó thế nào đã, rồi mới định cỡ to nhỏ.
27. Phủ để trừu tân (Rút củi dưới đáy nồi)
Kế “Phủ để trừu tân” là bớt lửa dưới nồi, ý nghĩa là giải quyết trên căn bản một vấn đề, chủ ý không cho nó phát ra (bớt lửa cho nước khỏi trào).
Khi có một việc đã bùng nổ ra rồi thì tìm cách làm cho nó dịu đi, không để nó tiếp tục ác liệt.
Chỗ diệu dụng kế “Phủ để trừu tân” là không nghe thấy tiếng, không nhìn thấy hình, vô cùng như trời đất, khó hiểu như âm dương, khiến cho kẻ thù rơi vào kế của mình mà họ không biết.
Không kể tình trường, chiến trường hay thương trường, kế “Phủ để trừu tân” lúc nào cũng là kế rất âm độc, lớn mang hiệu quả lớn, nhỏ có hiệu quả nhỏ.
Ở tình trường, anh chàng kém vế thường o bế song thân hoặc anh em của đào, hơn là tấn công chính nàng!
Ở chiến trường, kế “Phủ để trừu tân” lại càng dày đặc, giăng mắc như mạng nhện.
28. Sát kê hách hầu (Giết gà cho khỉ sợ)
“Sát kê hách hầu” nghĩa đen là giết con gà cho con khỉ sợ.
Theo truyền thuyết dân gian, con khỉ rất sợ trông thấy máu, cho nên khi người ta muốn dạy khỉ, trước hết họ giết một con gà, bắt con khỉ nhìn thấy đống máu bê bết rồi mới bắt đầu giáo hóa. Lúc bắt khỉ cũng thế, người ta vặn cổ con gà cho nó kêu lên những tiếng ghê rợn, khiến cho khỉ bủn rủn chân tay thì đến bắt.
“Sát kê hách hầu” có tác dụng lớn, làm cho các vụ mới nở ra trong trứng nước bị rơi vào cảnh bối rối, sợ sệt.
29. Phản gián kế (Dùng kế của đối phương để quật lại)
“Phản gián kế” là dùng người của đối phương lừa dối đối phương, dùng kế địch lừa địch.
Tôn Tử nói: “Biết mình là biết thực lực và nhiệm vụ của mình. Biết người là biết thực lực và ý đồ của địch. Biết mình thì tương đối dễ hơn biết người. Cho nên muốn biết người thì phải dùng gián điệp”.
30. Lý đại đào cương (Đưa cây lý chết thay cây đào)
“Lý đại đào cương” là đưa cây lý chết thay cho cây đào.
Người lớn làm họa, bắt người bé chịu tội thay. Có rất nhiều kẻ tác gian phạm tội lại bắt người khác thế thân.
31. Thuận thủ khiên dương (Thuận tay dắt con dê về)
“Thuận thủ khiên dương” theo nghĩa đen là thuận tay dắt con dê về.
Sự việc trên đời, thiên biến vạn hóa rất kỳ diệu. Phải biết nắm lấy bất cứ cơ hội nào vụt hiện đến trước mắt, đó là những thâu hoạch, những cái lợi bất ngờ.
32. Dục cầm cố tung (Muốn bắt mà lại thả ra)
“Dục cầm cố tung” theo nghĩa đen là muốn bắt cho nên thả ra.
Muốn thực hành kế này, phải có một nhãn quan sâu rộng, một tấm lòng nhẫn nại vô song. Những kẻ cấp công cận lợi không bao giờ có đủ tài trí để thi hành nó.
Kế “Dục cầm cố tung” không thi hành theo cái nghĩa đen của nó. Kế này nói lên sự mềm dẻo cho mọi chính sách, thứ nhất là chính sách thu phục lòng người, giữ người.
33. Khổ nhục kế (Hành hạ thân xác mình để người ta tin)
“Khổ nhục kế” là hành hạ mình, rồi đem cái thân xác bị hành hạ ấy để làm bằng chứng mà tiếp cận với địch để hoàn thành một âm mưu nào đó.
34. Phao chuyên dẫn ngọc (Ném hòn ngói để thu về hòn ngọc)
“Phao chuyên dẫn ngọc” nghĩa đen là ném hòn ngói để thu về hòn ngọc. Tức là dùng tiểu vật để đoạt một đại vật, như người đi câu vậy.
Dân gian thường nói “thả con tép bắt con tôm” cũng là kế này.
35. Tá thi hoàn hồn (Mượn xác để hồn về)
“Tá thi hoàn hồn” nghĩa là mượn xác để hồn về.
Ý kế này chỉ rằng: Sau khi đã thất bại, buộc phải lợi dụng một lực lượng nào đó để khởi lên thi hành trở lại chủ trương của mình.
Tuy nhiên, dùng kế này rất dễ đi vào con đường nguy hiểm, nếu sơ xuất thì tỷ như rước voi về giày mả tổ.
Nếu mượn xác mà mượn ẩu thì chẳng khác gì vác xác chết về nhà.
36. Tẩu kế (Chạy, lùi, thoát thân)
“Tẩu kế” nghĩa là chạy, lùi, thoát thân.
Tại sao kế sau chót cổ nhân lại đặt là “kế chạy”?
Lại có câu: “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. (Ba mươi sáu chước, chạy là hơn hết!)
Bởi vậy kế này liên quan nhiều đến sự thành bại của một công việc lớn. Bất luận là đánh nhau bằng văn hay bằng võ, không ai là có thể thắng hoài. Trong quá trình chiến đấu bao gồm nhiều kiểu thắng, nhiều kiểu bại, lúc ẩn lúc hiện, trong chớp mắt dồn dập cả trăm ngàn biến chuyển. Nếu không ứng phó mau lẹ để tránh những cảnh bất lợi, để nắm mau lợi thế mà tiến tới thắng lợi, thì không phải là nhân tài.
Chạy có nhiều phương thức. Bỏ giáp, bỏ vũ khí mà chạy, bỏ đường nhỏ mà chạy tới đường lớn, bỏ đường bộ mà chạy sang đường thủy… Các phương thức tuy không giống nhau nhưng cùng hướng chung đến mục đích là tránh tai họa để bảo đảm an toàn, để bảo toàn lực lượng.
“Tẩu kế” không phải là chạy dài. Chạy chỉ là một giải pháp để mà sẽ quay lại. Tinh hoa của kế chạy là giành thời gian, bảo tồn sức khỏe, lực lượng.
Rút chạy đến một vị trí mới, cho tư thế vững mạnh hơn, tập trung nỗ lực và củng cố tinh thần, chọn một cơ hội thuận tiện để quật lại, ấy mới thực là “Tẩu kế”.
Sau hết phải lo đến điểm nguy của kế chạy: Khi chạy, sẽ mất tinh thần, sự việc hoàn toàn lỏng lẻo, mất sự tin tưởng ở xung quanh. Nếu không giải quyết cho chính xác những vấn đề trên thì “tẩu” không còn là một kế hoạch nữa, mà là một sự tan rã vậy!
Posted in Uncategorized | Leave a comment

CHỮ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ TÀI – THẦY ĐOÀN VĂN PHÊ

Trong nhà Thầy Đoàn Văn Phê có treo một bức thư pháp đại tự vẽ chữ TÂM (心), ở dưới có trích dẫn một câu lục bát lấy từ truyện Kiều và … dịch ra chữ Hán:
 
            善根居在人心
            字心新彼平三字才
            Thiện căn cư tại nhân tâm,
            Tự tâm tân bỉ bình tam tự tài.
            Thiện căn ở tại lòng ta,
            Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài…
 
Trong một bức thư gởi các học trò cũ, Thầy Phê đã có lời bàn về chữ TÂM. Xin trích đăng một phần lá thư của Thầy…
 
“Tâm“ (được hình tượng hóa bằng một câu trong “truyện Kiều”: nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời) là trái tim, lòng dạ, lương tâm con người. Có lương tâm thì mới biết điều nhân nghĩa, phải trái, việc nên làm, việc không nên làm… Trong thiên “Vệ linh công“ của sách Luận ngữ có đoạn thuật lại cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và học trò là Tử Cống. Tử Cống hỏi: “Có một chữ nào suốt đời làm theo được không?”, Khổng Tử đáp: “Có lẽ là chữ  “thứ“ chăng? Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Câu trả lời này đã nêu bật được chữ “tâm“ của người quân tử. Ở một đoạn khác, các học trò của Khổng Tử đã viết về người thầy của mình: “Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”, được nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê dịch như sau: “Khổng Tử bỏ hẳn bốn tật này: “vô ý” là xét việc gì thì không đem ý riêng (hoặc tư dục) của mình vào mà cứ theo lẽ phải; “vô tất” tức không quyết rằng điều đó tẩt đúng, việc đó tất làm được; “vô cố” tức không cố chấp; “vô ngã” tức quên mình đi, không để cho cái “ta” làm mờ ám (hoặc không ích kỷ) mà phải chí công vô tư”. Đây chính là bốn điều kiện để giữ trọn được cái “ tâm “ trong sáng vậy.
 
Trang Tử, người phát huy tinh hoa của Đạo giáo, cũng nói: “Ai mạc đại, ư tâm tử, thân tử thứ chi” (không nỗi đau buồn lớn nào bằng cái tâm đức chết, còn đau buồn về thân xác chết chỉ đứng hàng thứ nhì). “Tâm tử” ở đây chỉ sự ăn ở vô sỉ, lối sống vô cảm không còn chút lương tâm nào.
 
Đạo Phật là đạo về chữ “tâm”. Phật dạy: “Vạn pháp duy tâm tạo” (mọi vật, mọi sự trong thế giới này chỉ là sản phẩm của tâm thức con người tạo ra). Phật khuyên thực hiện “tứ vô lượng tâm“ (có bốn tấm lòng vô lượng: tâm “từ” là hiến dâng niềm vui, tâm “bi” là giúp vơi nỗi khổ, tâm “hỷ” là có lòng vui vẻ và tâm “xả” là không có lòng phân biệt, kỳ thị. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ trong bài hát nói “Vịnh Phật” có câu:
 
            Nghiệp duyên vốn tự mình ra
            Trong vuông tấc đủ thiên đường, địa ngục
 
“Vuông tấc” (phương thối) chỉ tấm lòng, chỉ cái “tâm”. Thiền sư Nhất Hạnh lý giải về vấn đề này như sau: Thiên đường, địa ngục là cái mà mình có thể chứng nghiệm ngay khi còn đang sống. Người ta nói một câu làm cho mình nổi tham sân si lên là địa ngục rồi. Ma quỷ ở trong “tâm” chúng ta. Chúng ta không an trí dược trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây nên ma quỷ mới xuất hiện. Nếu “tâm” ta an thì chỗ nào cũng là tịnh độ, an lạc cả…
 
“Tồn tâm” là giữ được lòng mình mà mỗi người đều phải hết sức chú ý. Người xưa lấy “nhân” mà giữ tâm, lấy “lễ” mà giữ tâm và luôn phải nuôi dưỡng tâm bằng “quả dục”, người đời nay cũng nói đến “tâm” nhưng muốn có “tâm” là phải qua một quá trình  rèn luyện kiên định và thường xuyên, phải có liêm sỉ (biết xấu hổ khi làm điều trái), phải trọng cương thường , đạo lý chứ tuyệt đối không chỉ hô hào bằng khẩu hiệu mà có được chữ “tâm”.
 
Chữ “tâm” là nét chủ đạo của đạo học Phương Đông. Ý nghĩa của nó hết sức phong phú, liên quan đến việc tu thân, dưỡng tính, xử thế, tiếp vật. Người đời thường treo các chữ “đức”, “phúc”, “nhẫn” v.v… nhưng xem ra chữ “tâm” đã có thể bao hàm được tất cả. Tôi treo chữ “tâm” là để tự mình cảnh giới đừng phạm nhiều sai lầm trong cuộc đời. “Tất nhiên là tôi cũng có sai phạm, nhưng mình nên cố giữ những sai phạm đó càng ít, càng nhỏ thì càng tốt…, coi đó như một ngọn lửa thiêng soi sáng cho mình trong những hoàn cảnh khó xử, chứ quả thực không dám nhận mình là đã xứng đáng với chữ “tâm” như người xưa dạy…
 
Thầy Đoàn Văn Phê
Posted in Uncategorized | Leave a comment

TRÁI CÂY VIỆT NAM – KHUYẾT DANH

Quả Bưởi

Ở Việt Nam có rất nhiều loại bưởi ngon thường được gắn liền với tên địa phương. Miền Bắc có bưởi Ðoan Hùng (Phú Thọ), miền Trung có bưởi đường Phúc Trạch (Quảng Bình), miền Nam có bưởi Tân Triều (Biên Hoà). Mỗi loại bưởi đều có vị riêng của nó. nhận được vị ngọt của đường hoà tan trong múi bưởi – một vị ngọt mát, nhẹ nhàng ngấm dần vào cơ thể giúp cho tinh thần sảng khoái. Bưởi Tân Triều cũng có nhiều hương vị khác nhau: ngọt dịu và hơi chua là bưởi Thanh Trà, ngọt lịm là bưởi đường, ruột hồng có vị ngọt mát dịu là bưởi xiêm. Bưởi Năm Roi (Ðồng Tháp) không có hạt, khi chín có màu vàng, ngọt lịm như bưởi đường.

Quả Chôm Chôm

Cũng là loại trái cây cũng được trồng nhiều ở các miệt vườn miền Nam. Mùa chôm chôm kéo dài từ tháng tư đến tháng sáu (dương lịch). Quả chôm chôm có vỏ dày, cứng, phần thịt bên trong màu trắng, có vị ngọt mát.

Nổi tiếng nhất vẫn là chôm chôm trồng ở xã Hoà Phước, tỉnh Vĩnh Long. Vào mùa chôm chôm, đến bất cứ nơi nào ở miền Nam bạn cũng có thể chọn được những chùm chôm chôm ưng ý về làm quà.

Quả Dứa (thơm)

Là loại cây nhiệt đới được trồng ở nhiều vùng trên khắp cả nước. Mùa hè là lúc dứa chín rộ nhất. ở miền Nam người ta còn gọi dứa là trái thơm. Dứa có vỏ xù xì, rất nhiều mắt. Khi ăn phải gọt lớp vỏ, sau đó dùng dao khía, gọt bỏ mắt dứa. Mùi thơm của trái dứa thật đặc biệt, cứ quấn quýt mãi khiến người ta không thể quên được nó.

Dứa được chế biến để làm dứa hộp, mứt dứa, rượu dứa, nước hoa quả ép… Nó còn được dùng làm thực phẩm để chế biến các món ăn trong các thực đơn hàng ngày.

Quả Na

Miền Bắc gọi là quả na, còn ở miền Nam gọi là mãng cầu. Na có hai loại: na bở và na dai. Na ở miền Bắc được trồng ít hơn ở miền Nam. Quả na có vỏ dày, màu xanh nhưng thịt na lại trắng và mềm. Ngon hơn cả phải kể đến mãng cầu dai hay còn gọi là mãng cầu Cấp (mãng cầu Vũng Tàu). Mãng cầu dai chắc, nhiều thịt, ít hột, vỏ mỏng và ngọt hơn các loại mãng cầu khác. Những quả mãng cầu Cấp có vỏ xù xì, múi không đều, không mọng, nhưng vị ngon của nó thì thật đáng ca ngợi, thơm và ngọt sắc.

Quả Nhãn

Nhãn có nhiều ở các tỉnh miền Bắc. Loại nhãn ngon có tiếng từ xưa đến nay là nhãn lồng Hưng Yên.

Vỏ nhãn mỏng có màu nâu nhạt, to hơn đốt ngón tay cái. Chỉ cần tách nhẹ lớp vỏ ngoài là đến lớp thịt nhãn màu trắng bọc lấy hạt màu đen láy. Có nhiều loại nhãn. Loại nhãn có cùi dày, vị ngọt đậm gọi là nhãn cùi. Cùi nhãn mỏng, nhiều nước, có vị ngọt mát gọi là nhãn nước. ở miền Nam, có nhãn Châu Thành (Ðồng Tháp) cũng khá nổi tiếng. Loại nhãn này nhiều nước, ngọt lịm, hương thơm, hạt bé nên gọi là nhãn tiêu. Nhãn là một loại trái cây nhiệt đới giàu chất dinh dưỡng. Nhãn dùng để nấu với chè hạt sen. Nhãn bỏ hạt đen sấy khô gọi là long nhãn, là một trong những vị thuốc bổ của thang thuốc Bắc, dùng để bồi bổ cơ thể suy nhược. Nhãn là một món quà quí.

Quả Sầu Riêng

Trong các loại hoa quả Việt Nam, đắt tiền nhất vẫn là trái sầu riêng. Tên của loại quả này gắn liền với một truyền thuyết về mối tình không thành của chàng hoàng tử nước ngoài với cô gái Việt Nam.

Trái sầu riêng to như một trái mít tố nữ loại trung bình. Vỏ dày, cứng, có gai nhọn lởm chởm. Khi ăn, chỉ cần dùng lưỡi dao lách nhẹ vào đường rãnh vỏ, mở ra là thấy ngay những múi sầu riêng màu vàng ngà, óng ánh như được phết một lớp bơ. Hương vị quyến rũ đến lạ kỳ, mùi hương đậm, bay rất xa, lâu tan trong không khí.

Sầu riêng được xuất khẩu nhiều sang nhiều nước trong khu vực. Sầu riêng thường có vào mùa Xuân. Sầu Riêng chỉ trồng được ở các tỉnh Nam bộ.

Quả Vải Thiều

Vải thiều chỉ có ở miền Bắc. Ngon và nổi tiếng là vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và vải thiều Lục Ngạn (Hà Bắc).
Quả vải thiều to hơn quả nhãn lồng, vỏ sần sùi có màu đỏ thắm. Lớp thịt vải cũng có màu trắng như màu nhãn nhưng dày hơn và nhiều nước hơn. Phần hạt bên trong nhỏ xíu, màu nâu.
Mùa vải bắt đầu vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 7. Vải thiều là món quà quý của người miền Bắc gửi cho những người thân ở miền Nam.

Quả Vú Sữa

Là loại trái cây có nhiều ở các miệt vườn Nam bộ. Bước vào vườn vú sữa, bạn sẽ thấy hàng ngàn quả treo lủng lẳng trên cành, quả nào cũng đều đặn, căng bóng, tím rịm, mịn màng. Trước khi ăn, bạn dùng tay bóp đều xung quanh quả cho thật mềm, sau đó dùng dao cắt đôi quả vú sữa, dùng thìa nạo ăn dần cho tới sát lớp vỏ. Chút sữa lẫn trong lớp thịt chảy ra quyện vào lớp nhân ngọt giòn, hoà tan, thơm như dòng sữa mẹ tinh khiết. Vào mùa hè, được thưởng thức một ly vú sữa dầm đá đường thơm ngọt thì chắc không có loại nước giải khát nào sánh được.

Quả Xoài

Là một loại trái cây được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam. Xoài có nhiều loại: xoài Cát, xoài Gòn, xoài Thanh ca, xoài tượng, xoài xiêm, xoài cóc… Tuy mỗi loại xoài có hương vị riêng nhưng loại nào cũng ngon. Xoài Bến Cát có tiếng nhất (gọi là xoài Cát). Quả xoài Cát có hương vị đặc biệt thơm và ngọt đậm đà, quả vàng ươm, no tròn, có quả nặng tới nửa ký. Thịt nó nạc như miếng giò lụa. Mùa xoài có từ tháng 3 đến tháng 5.

Quả Măng Cụt

Ẩn mình trong những cành lá rậm rạp, quả măng cụt to cỡ nắm tay, có màu nâu tím. Khi ăn, dùng con dao nhỏ cắt ngang thân một vòng tròn gỡ một nửa bỏ ra, bên trong sẽ hiện ra những múi măng xếp đều đặn, trắng ngần, thơm mát. Có ba loại măng cụt, một loại ngon thanh hơi chua một chút. Loại khác quả ngọt như đường phèn, múi to, vỏ mỏng. Loại nữa gọi là măng đọi, múi giòn. Mùa măng cụt thường là từ tháng 5 đến tháng 8.

Quả Cam

Ở Việt Nam, cam là một trong những cây ăn quả đã được trồng trong vườn lâu nhất và phổ biến nhất. Quả cam, nhất là ở miền Bắc khi chín có màu đỏ hoặc màu vàng. Cam là một loại cây ăn quả quý được trồng trong vườn, nhất là những vườn nhỏ, gần nhà. Cam sành còn gọi là cam King (cam Bố Hạ)  trồng nhiều ở miền Bắc. Các giống cam được trồng ở Việt Nam có thể phân theo các dạng: cam sành, cam đường, cam Sông Con, cam Hưng Yên ở miền Bắc, cam mật ở miền Nam và còn có thể kể nhiều giống cam tùy theo vùng trồng.

Hiện nay giống cam có múi màu đỏ nhập từ nước ngoài đang được trồng ở Việt Nam. Nhờ khí hậu khắc nghiệt nên cam miền Bắc ngon hơn cam miền Nam.

Quả Chuối

Chuối là loại quả rất phong phú về chất khoáng, đặc biệt là nhiều năng lượng và lại dễ tiêu. Quả chuối không chỉ ăn chín mà ngay khi còn xanh có thể nấu canh như một loại rau. Hoa chuối thái nhỏ là một món ăn sống cao cấp. Thân chuối non để dùng làm rau, củ chuối cũng có thể dùng nấu canh cá, canh chua hoặc làm nộm.
Ở Việt Nam, nơi nào cũng thích hợp với cây chuối. Có rất nhiều giống chuối. Phổ biến nhất là chuối tiêu, quả cong, khi chín toả thơm, ăn rất ngọt. Tiếp đến là các loại chuối ngự, chuối cau quả tuy nhỏ nhưng vỏ mỏng, có hương vị rất thơm. Chuối tây, chuối sứ có khi dùng để chiên hoặc nấu, chuối tây buồng nặng, quả to và ngắn, thẳng. Chuối trà bột được trồng khá phổ biến ở miền Nam. Vỏ hơi dày đôi khi nứt ra, màu vàng, khi chín có những vệt màu nâu, thịt trắng, khi chưa chín kỹ thì có vị chua. ở miền Ðông Nam bộ có nhiều chuối bom. Loại này hơi giống chuối cau nhưng vỏ dày hơn, chất lượng thấp hơn, nếu chưa chín kỹ có vị chua.

Ðu đủ

Ðu đủ ruột đỏ có trái hình bầu dục, đầu nhọn, màu xanh, hơi vàng khi chín. Ðu đủ ruột vàng có rất nhiều trái, hình dáng tròn, ngắn và có màu vàng khi trái chín, ruột mỏng và mềm. Một giống nữa ở miền Nam có ruột màu vàng hay vàng cam, trái hình bầu dục và ngọt nhưng ít thơm bằng loại đu đủ đỏ.

Quả Hồng

Việt Nam có nhiều loại hồng, như hồng Mỹ có quả màu vàng, hồng cado (Việt Nam gọi là cậy) quả vàng và nhỏ. Có những loại hồng nổi tiếng như hồng Lạng ở Lạng Sơn, hồng Hạc ở Hạc Trì… ở miền Nam, chỉ ở những vùng cao Ðà Lạt mới trồng được. Hồng là một loại quả chứa nhiều đường, nhiều vitamin A. Ðông y cho hồng là một loại quả lành, ăn hồng có thể hạ huyết áp, giảm đau ruột. Cây hồng trái làm cây cảnh cũng rất đẹp. Khi lá rụng quả hồng màu vàng kim vẫn treo lủng lẳng trên cành. Trái có đủ dạng tròn, hình tim, dẹp hay có khía. Có hai loại hồng: chát và không chát. Trái hồng chát khi còn cứng không ăn được, nhưng nếu để mềm thì hết chát và ngon ngọt. Trái hồng loại không chát thì ăn ngay được dù quả vẫn cứng, hoặc khi trái bắt đầu đổi màu.

Quả Hồng Xiêm (sapôchê)

Ở Việt Nam, hồng xiêm đã nhập từ lâu và gọi là saphôchê. Ở miền Bắc hồng xiêm Xuân Ðỉnh, Từ Liêm – Hà Nội nổi tiếng nhất. Hồng xiêm có quả hình cầu hoặc hình trứng. Vỏ hồng xiêm màu nâu, có những vết nứt li ti, nhất là phía gần cuống, thịt màu vàng nâu trông như thạch, nhiều nước, có mùi thơm đặc biệt. Quả xanh có nhựa dính nên không thể ăn được. Ở nước ta trồng nhiều nhất là giống sapôchê trái vàng cam và giống có ruột trắng vàng.

Posted in Uncategorized | Leave a comment

ÔNG ĐỒ ƠI ÔNG ĐỒ! – LÊ PHÙ

Kính thăm các Bác,
 
Hôm trước có nhà Bác hỏi nhà cháu rằng:
 
Cậu viết được, sao không viết cái gì vui vui đọc chơi?
 
Thật tình xin thưa với các Bác, trình độ thơ văn nhà cháu chỉ mới tới lớp chín (đệ tứ) trung học thì phải bỏ ngang. Thế nên viết cho mình xem thôi cũng đã là việc làm vượt sức, huống chi đèo bồng bày biện cho làng xã coi thì quả là chuyện hoang đường.
 
Chỉ xin mạn phép các Bác mượn thư này để giải thích sự kiện lá vàng rơi trên giấy trong bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên.
 
Trước hết chúng ta hãy cùng nhau xem lại bài thơ bất hủ và cũng là bài thơ đầu đời nhà cháu dạy cho con trẻ, thay vì mớm chúng gọi Xít-ta-lin:
 
            Mỗi năm hoa đào nở,
            Lại thấy ông đồ già,                         
            Bày mực tàu giấy đỏ,
            Bên phố đông người qua.
 
            Bao nhiêu người thuê viết,
            Tấm tắc ngợi khen tài,
            Hoa tay thảo những nét,
            Như phượng múa rồng bay.
 
            Nhưng mỗi năm mỗi vắng,
            Người thuê viết nay đâu?
            Giấy đỏ buồn không thắm,
            Mực đọng trong nghiên sầu.
 
            Ông đồ vẫn ngồi đấy,
            Qua đường không ai haỵ
            Lá vàng rơi trên giấy
            Ngoài giời mưa bụi bay
 
            Năm nay đào lại nở,
            Không thấy ông đồ xưa,
            Những người muôn năm cũ,
            Hồn ở đâu bây giờ?
            Vũ Đình Liên, Ông Đồ
Hạch rằng:
  • Hoa đào nở vào mùa xuân.
  • Năm hết Tết đến mới lại thấy Ông Đồ già xuất hiện.
  • Cớ gì lại có lá vàng rơi trên giấy vào mùa xuân?
Luận:
Hạch như vậy quả tình tội cho Vũ Đình Liên quá sức!
Có người cho rằng Vũ Đình Liên muốn thê thảm hóa nỗi cô đơn của Ông Đồ nên cho vài chiếc lá vàng rơi trên giấy vắng làm tiền cảnh và để giới thiệu cho một sự mất mát buồn thảm sắp khởi đầu.
Và rằng như vậy, Vũ Đình Liên mắc phải lỗi lầm về luận (có dấu nặng) lý!
 
Nhà cháu không nghĩ như vậy, trái lại còn cho Vũ Đình Liên vừa là một nhà thơ trác tuyệt, vừa là một nhà luận lý uyên bác!
 
Hãy thử cùng nhau nghiệm xét mệnh đề suy diễn sau đây:
Nếu hoa đào nở thì thấy có Ông Đồ già.
Đó là mệnh đề suy diễn của hai mệnh đề
  • p hoa đào nở
  • q thấy có Ông Đồ già
Phần lớn đều nghĩ:
Nếu thấy có Ông Đồ già thì hoa đào phải nở.
Thật ra hai mệnh đề suy diễn này không tương đương.
  • p suy ra q không tương đương với q suy ra p.
  • p suy ra q chỉ tương đương với (phủ đề của q) suy ra (phủ đề của p).
Như vậy:
  • Phủ đề của p  hoa đào không nở
  • Phủ đề của q  thấy không có Ông Đồ già
Nếu hoa đào nở thì thấy có Ông Đồ già.
Sẽ phải tương đương với:
Nếu thấy không có ông Ông Đồ già thì không phải lúc hoa đào nở (hoa đào không nở).
 
Thế nên:
Nếu thấy có Ông Đồ già thì hoa đào có thể nở hoặc không.
 
Hay nói cách khác:
Nếu thấy có Ông Đồ già thì không gian có thể đang là mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông, mùa nào cũng được.
 
Lá vàng muốn bay cứ việc bay, chỉ cần có mùa thu là đủ rồi.
 
Kiểm chứng bằng bảng chân trị dễ dàng cho chúng ta kết luận như vậy.Thế mới biết Vũ Đình Liên thật là thâm thúy!
 

  

p

q

~p

~q

p Þ q

q Þ p

~q Þ ~p

Đúng

Đúng

Sai

Sai

Đúng

Đúng

Đúng

Đúng

Sai

Sai

Đúng

Sai

Đúng

Sai

Sai

Đúng

Đúng

Sai

Đúng

Sai

Đúng

Sai

Sai

Đúng

Đúng

Đúng

Đúng

Đúng

  

Tiếc thay: 
Từ năm 1936, khi được biết đến với bài thơ Ông Đồ, đăng trên báo Tinh Hoa, Vũ Đình Liên sáng tác rất ít.
Các tác phẩm đếm được trên đầu ngón tay như:

  • Lũy tre xanh
  • Thành cũ

Rồi chợt nhiên, năm 1982, theo trào lưu… đế quốc, Vũ Đình Liên làm một cái sequel cho bài Ông Đồ, đặt tên là Bóng Ông Đồ, gọi theo kiểu Âu Mỹ thì là Ông Đồ 2 hay Ông Đồ rì-tơnz.

Ông Đồ trở lại bảo thế này.
            
            Mỗi năm hoa đào nở
            Lại thấy bóng ông đồ
            Bút nghiên và giấy đỏ
            Ngồi đúng chỗ ngồi xưa
           
            Ôi! Cái nghiệp nghiên bút
            Tô điểm cho cuộc đời
            Người chết nghiệp không chết
            Nơ tiền kiếp luân hồi
           
            Trải trăm ngàn dâu bể
            Giấy mực màu không thay
            Chữ Nhân và chữ Nghĩa
            Vẫn những nét thẳng ngay
           
            Ông Đồ vẫn ngồi đấy
            Khăn áo bạc màu dưa
            Nhắc cho người qua thấy
            Lẽ Nhân đạo, Thiên cơ
           
            Cách mệnh là nhân nghĩa
            Ông Đồ là thi thư
            Chữ tuôn dòng Thiện Mỹ
            Từ ngón tay ông Đồ.
            Vũ Đình Liên, Bóng Ông Đồ
 
Người yêu Ông Đồ thất vọng!
Nhà cháu cũng thất vọng quá!
Cứ tìm mãi cách mà biện minh cho Bố Ông Đòng!
Chắc là Bố Ông Đòng già lão lắm rồi nên sanh tật làm biếng, thay vì viết chữ (无) nhiều nét, Bố chơi chữ nhân (人) ít nét cho nó khoẻ xác! Bố nghĩ thời buổi bây giờ mấy ai biết chữ nho nên muốn phang cái gì thì phang!
 

Lại nữa, từ nét chữ như phượng múa, rồng bay, sau gần nửa thế kỷ đã trở nên thẳng ngay, cứng ngắc. Vậy sao gọi là… vẫn? Mà chữ nho thì làm sao mà thẳng được?
 

Đưa cho Vân Đài coi cái Bóng Ông Đồ, người bạn trẻ lắc đầu ngán ngẫm.
Rồi từ từ đứng lên mở tủ lấy bút nghiên, đăm chiêu hạ vài chữ bâng quơ…
Thơ thế này:
 
            Tưởng Ông Đồ khuất bóng,
            Ai dè Ông vẫn còn!
            Lại theo lũ hư hỏng,
            Thà Ông ngủm thì hơn!
            Vân Đài, Thà Ông…
 
Ông Đồ ơi Ông Đồ!
 
Kính chúc các Bác khoẻ mạnh nhé.
Lê Phù, 20070120
Posted in Uncategorized | Leave a comment

TIẾNG VIỆT GIÀU NHẠC I – BÀNG BÁ LÂN

TIẾNG VIỆT GIÀU NHẠC
Bàng Bá Lân
 
Thật là một ngôn ngữ êm ái, du dương, nhiều thơ nhiều nhạc".
Đó là nhận xét chung về ngôn ngữ Việt Nam của Hội Nghị Lưỡng Niên Thi Ca Quốc Tế lần thứ 11 tại Bỉ, chiều ngày 1/9/1974, mà chính chúng tôi được tai nghe mắt thấy. Cũng do sự việc đó, chúng tôi mới dám viết chương này; chứ khi không thì dù có ý nghĩ ấy cũng không tiện nói ra, vì e chẳng khỏi bi chê trách là chủ quan, thiên vị.
 
(…)
 
Ngôn ngữ ta đã được người ngoại quốc – qua sự việc kể trên – công nhận là êm ái, giàu nhạc và thơ. Vậy bây giờ, soạn giả xin đem cái thiển học và thiển kiến thử phân tích tìm hiểu xem tiếng Việt ta êm ái và giàu nhạc tính như thế nào? Có gì sai sót, mong được các bậc cao minh chỉ giáo.
 
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có câu tả chiếc xe ngựa đi trên đường xấu lồi lõm, gồ ghề:
 
            Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh
 
Câu thơ vừa gợi âm thanh (harmonie imitative), vừa gợi hình ảnh rõ rệt (style image). Ta như trông thấy vó ngựa bước thấp, bước cao và lắc lư, nghiêng ngả; đồng thời nghe rõ cả tiếng móng ngựa lộp cộp, tiếng bánh xe lọc-xọc… khiến người ngoại cuộc cũng thấy sự khó chịu của người ngồi trong xe bị xóc mạnh nhồi lên nhồi xuống và đường đi thật vất vả nhọc nhằn. Những từ ngữ "khấp khểnh", "gập ghềnh" khéo dùng, thích đáng làm cho câu thơ có nhạc. Điệu nhạc rất thích hợp, giúp cho diễn tả thêm linh động, rõ ràng. Cũng trong truyện Kiều, tả mùa hè, Nguyễn Du viết:
 
            Đầu tường, lửa lựu lập-lòe đâm bông
 
Hoa lựu nở vào mùa hè, màu đỏ chói trong đã nóng, lại thêm "lửa", rồi lại "lập lòe"… âm hưởng của bốn tiếng cũng bắt đầu bằng chữ "l" đặt liền nhau (lửa lựu lập lòe) khiến người đọc như "nghe" thấy hè về với cái nắng hừng hực, rung rinh, gay gắt. Trong bản dịch Chinh Phụ Ngâm, có câu tả chiến sĩ xuất trận rất đặc sắc nhờ nhạc:
 
            Giã nhà, đeo bức chiến bào,
            Thét roi cầu Vị ào ào gió Thu.
 
Những từ ngữ "thét roi", "ào ào" làm cho thơ vừa hùng, vừa gấp, trội hơn hẳn nguyên văn của Đặng Trần Côn:
 
            Tiện từ khuê khổn tòng chinh chiến,
            Tây phong minh tiên xuất Vi kiều.
 
Trong tập thơ "Lửa thiêng" của Huy Cận, bài "Đêm Mưa" cũng có nhiều câu giàu nhạc:
 
            Tai nương nước giọt mái nhà,
            Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
            Nghe đi rời rạc trong hồn
            Nhưng chân xa vắng dặm mòn lẻ loi
            Rơi rơi dìu dịu… Rơi rơi…
            …
            Gió về lòng rộng không che,
            Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư
 
Ta như nghe rõ tiếng mưa rơi đều đều (buồn buồn, rơi rơi, dìu dịu), tí tách (nương nước); lúc ào ạt (nằng nặng), thưa thớt (rời rạc) hòa cùng tiếng gió khuya lạnh lẽo (hơi… hiu hắt). Toàn thể bài thơ như một bản đàn bầu độc tấu, gợi được cái buồn thấm thía của một đêm mưa gió lạnh lùng. Với bài hát nói "Gặp cô đào cũ" của Dương Khuê, ta có thể nói là nhạc trong thơ Việt đã đạt tới cao độ. Bài này bắt đầu bằng bốn câu mưỡu kép:
 
            Nước nước biếc, non non xanh
            …
            Sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa
            Nhớ ai tháng đợi năm chờ
            Nhớ người năm ấy bây giờ là đây!
 
Hát ả đào bao giờ cũng có tiếng trống chầu và tiếng đàn, tiếng phách dạo lên trước…thì ở đây cũng vậy: âm thanh của những tiếng "nước nước biếc, non non xanh" nghe như tiếng trống chầu "chát chát chát, tom tom tom", và những tiếng "tình sớm, tình trưa) lập đi lập lại, xen lẫn nhau, nghe như tiếng đàn, tiếng phách dạo lên trước khi ca nhi cất tiếng… Về nhạc buồn trong thơ vần thì có lẽ ít có thơ vần nước nào gợi được cái buồn lạnh lẽo thấm thía, ghê rợn như bài "Chiêu hồn thập loại chúng sinh" của Nguyễn Du, nhất là được ngâm lên bằng cái giọng âm u, ma quái của các thầy cúng vào dịp lễ Vu lan (rằm tháng 7):
 
            Tiết tháng bảy, mưa dầm sùi sụt,
            Toát hơi may lạnh buốt xương khô
            Não người thay buổi chiều thu
            Hoa lau nhuộm bạc, lá ngô rụng vàng
            …
            Sống đã chịu một bề thảm thiết
            Ruột héo khô da rét căm căm
            Dãi dầu trong mấy muôn năm
            Thở than dưới đất, ăn nằm trên sương
            Nghe gà gáy kiếm đường lánh ẩn
            Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra
            Lôi thôi bồng trẻ, dắt già
            Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh
 
Nhạc thơ trầm buồn lại thêm những từ ngữ rất gợi (sùi sụt, toát, buốt, xương khô, não người, thảm thiết, héo khô, rét căm căm, dãi dầu, gà gáy, lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra, lôi thôi, bồng dắt, lại mà nghe kinh (khiến ta trông thấy như từng bầy từng lũ vô hồn đói rét, âm thầm, thất thểu kéo nhau đi trong đêm tối mưa bay, gió lạnh về phía có mùi nhang, lửa, tiếng mỏ, lời kinh để… ăn mày chút cháo lá đa, vài mảnh áo giấy. Ôi nhạc thơ sao mà buồn thảm, cái buồn âm u, quái đản! Ban nhạc nổi tiếng "Danse macabre" (Khiêu vũ ma) của Saint Saens cũng không gây được không khí và cái buồn ghê rợn như vậy. Chỉ trình bày, phân tích không, e có phần nào chủ quan và chưa đủ rõ. Vậy xin thử so sánh ta với người cho được sáng tỏ vấn đề hơn. Xin đưa ra vài thí dụ so sánh với văn chương Pháp, vì ngôn ngữ nước này được coi là sáng sủa, rành rẽ và được nhiều người trong chúng ta thấu hiểu. Tả nỗi hân hoan của Nã Phá Luân đê. I (Napoléon 1er) khi sinh được con trai đầu lòng với Marie Louise (chắc chắn có người nối ngôi và nối dõi) Victor Hugo để cho Napoléon nói như reo:
 
            L’avenir! L’avenir! L’avenir est à moi!
 
Tiếp đó, ông chêm một câu để cho biết "tương lai không của ai cả" mà do Thượng Đế an bài:
 
            Non, Sire, l’avenir est à personne!
 
Cũng dùng điệp ngữ cố ý (répétition voulue) để nhấn mạnh, Nguyễn Du tả cái ghen của Hoạn Thư khi nghe tin chồng ở Lâm Tri lấy vợ bé mà không cho mình biết:
 
            Làm cho nhìn chẳng được nhau,
            Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên.
            Làm cho trông thấy nhãn tiền,
            Cho người thăm ván, bán thuyền biết tay!
            …
            Làm cho… cho mệt, cho mê,
            Làm cho đau đớn, ê chề cho coi.
            Trước cho bõ ghét những người,
            Sau cho để một trò cười về sau!
Posted in Uncategorized | Leave a comment

TIẾNG VIỆT GIÀU NHẠC II – BÀNG BÁ LÂN

Ghen mà chỉ có một mình, không có đối tượng, không có tình địch ở trước mặt để mà trút giận hờn… thật vô cùng khó tả ! Thế mà Nguyễn Du chẳng những đã vượt qua được khó khăn đó mà còn vẽ ra được một Hoạn Thư ghen rất linh động với tất cả sự uất hận dồn nén, với những hành động thâm hiểm sắp làm… Nhạc thơ dồn dập, thêm những tiếng "làm cho" và "cho" lập đi lập lại nhiều lần, nghe như hơi thở gấp hổn hển của người đang tức giận, nghiến lợi, nghiến răng. Thúc Sinh và Thúy Kiều mà nghe được những lời này hẳn không khỏi bay hồn, mất vía! Hai thi hào của hai nước; một đang tả cái "vui", một đang tả cái "giận"; cả hai cũng dùng mỹ từ pháp (điệp ngữ) để diễn tả, để nhấn mạnh; ai thành công hơn ai xin nhường độc giả xét và phê phán, đồng thời định giá giùm cho cái khả năng của ngôn ngữ nước nhà. Cũng Victor Hugo có một câu thơ thật hay mà tôi nhớ mãi mặc dầu đọc đã lâu lắm và đã quên hết cả bài. Câu thơ tả một mục đồng đang để hết tâm thần thổi sáo, mắt nhắm lại. Nhắm chứ không lim dim, vì không phải mục đồng bằng xương bằng thịt mà là hình trong một bức chạm nổi (bas relief):
 
            Un pâtre, sur sa flûte, abaissant ses paupières
 
Vì yêu thích câu thơ đẹp, tả người chạm mà sống động như người thật, không tả tiếng sáo mà nghe như có tiếng sáo véo von (ý tại ngôn ngoại, nhờ nhắm mắt nói lên được sự xuất thần của người thổi sáo), nên tôi thử dịch thật sát nghĩa, có ý xem khả năng tiếng Việt ta thế nào? Câu dịch là:
 
            Mục đồng trên sáo, hạ đôi mi
 
Theo thiển ý là được. Nhưng có thể tôi chủ quan. Vậy xin độc giả so sánh và phê phán giúp. Nếu câu dịch không phản nguyên văn và nhất là nhạc thơ không đến nổi sút kém thì đó là nhờ cái hay của tiếng mẹ đẻ, chứ tôi thật chẳng có công sức gì. Trường hợp câu thơ của Xuân Sanh hồi còn trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Nhóm này chủ trương lối thơ bí hiểm, bị chê là "thơ hũ nút" (poesie hermetique). Câu thơ của Xuân Sanh:  Đáy đĩa, mùa đi nhịp hải hà nhiều người chê là tối nghĩa, không hiểu tác giả muốn nói gì! Riêng tôi lại thấy là hay vì từ ngữ mới, lối hàm súc và có nhạc. Cũng vì lời khen ấy mà nhiều lần bị yêu cầu giải thích. Và tôi đã giải thích – theo sự hiểu của mình – như thế này: Đĩa đây là thứ đĩa riêng đựng trái cây (compotier). Tác giả muốn nói rằng mùa nào, thức nấy, chỉ việc nhìn vào đĩa đựng trái cây là đủ thấy được bốn mùa trong năm lần lượt nối tiếp nhau đi qua, bằng một nhịp bao la, rộng lớn. Với các bạn thông hiểu tiếng Pháp – để cho lời giải thêm rõ ràng, dễ hiểu – tôi dịch câu ấy ra Pháp ngữ:
 
            … Au fond des compotiers, les saisons succèdent aux saisons d’un rythme immense.
 
Các bạn người cho là được, người khen là hay. Nhưng tôi thì thấy là chỉ dịch được, đúng như nghĩa mà tôi hiểu, còn nhạc thơ – so với nguyên văn – thật không bằng! Tại tiếng Việt ta giàu chăng? Để trả lời câu hỏi này, tôi xin được nêu ra dưới đây một số câu tục ngữ ca dao của ta với những câu ngạn ngữ tương đương của Pháp và Anh, để độc giả thử cân nhắc và quyết định:
 
            Vào lỗ hà, ra lỗ hổng
            (Ce qui vient de la flûte, s’en va part le tambour – Light come, light go)
 
            Nhà giàu nói đâu ra đấy
            Miệng kẻ sang có gang có thép
            Vai mang túi bạc kè kè,
            Nói quấy nói quá người nghe rầm rầm
            (Clef d’or ouvre toutes les portes – A full purse makes the mouth speak).
 
            Tốt hơn làm búa, chớ có làm đe;
            Làm ngựa kéo xe hơn làm xe ngựa
            (Mieux vaut être marteau qu’enclume; mieux vaut être cheval que charrette – Better be hunter than hunted; better lead than be led).
 
            Sai một li, đi một dặm
            Lộn con toán, bán con trâu
            (Faute d’un point, Martin perdit song âne – A miss is as good as a mile).
 
            Người có lúc vinh lúc nhục, nước có lúc đục lúc trong
            (Après la pluie, le beau temps; Après le flux, le reflux – a flow will have an ebb).
 
            Một sự nhịn, chín sự lành
            (Mieux vaut plier que rompre – Better bend than break).
 
            Cái khó bó cái khôn (Pauvreté rend humble – An empty sack cannot stand upright).
 
            Bắn súng không nên, phải đền đạn
            (Qui casse les verres les paie – Who breaks, pays).
 
            Dường đi hay tối, nói dối hay cùng
            (Le menteur ne va pas loin – A lie has no legs).
 
            Cười người chớ vội cười lâu;
            Cười người hôm trước hôm sau người cười
            (Rira bien qui rira le dernier; Qui rit samedi pleuera dimanche – Let them laugh that win).
 
Không biết độc giả nghĩ thế nào sau khi đã so sánh, cân nhắc? Riêng kẻ ngu này thì dù đã cố gắng khách quan để giữ vô tư tuyệt đối, vẫn cứ thấy là của mình hay hơn. Tại sao? Tại vì – không kể về ý tưởng – tục ngữ của ta phần nhiều có vần. Mà có vần thì có nhạc. Có vần có nhạc thì dễ thuộc, dễ nhớ, dễ phổ biến, dễ thông dụng. Phổ biến, thông dụng nhiều thì dễ trở thành ngôn ngữ của đại chúng và do đó làm thêm hay thêm đẹp cho tiếng nước nhà. Thật vậy, thành ngữ tục ngữ của ta rất phong phú và rất hay. Hay vì đúng, vì gợi hình, vì sống động, vì có vần, có nhạc. Xin kể một số câu làm thí dụ:
 
            Thành Ngữ:
            Láu táu như thuyền sáu chèo
            Bắng nhắng như nhặng cầu tiêu
            Lật đật như sa vật ông vải
            Lôi thôi như cá trôi sổ ruột
            Lừ đừ như ông từ vào đền v.v.
 
            Tục Ngữ:
            Tốt danh hơn lành áo
            Thề cá trê chui ống
            Phép vua thua lệ làng
            Quen mui bén mùi ăn mãi
            Con sâu làm rầu nồi canh
            Có đi, có lại mới toại lòng nhau
            Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo
            Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe…
 
Chẳng những có vần mà nhiều câu còn đặt có đối nữa, như:
 
            Ăn cây nào phải rào cây nấy
            Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
            Đói cho sạch rách cho thơm
            Bé trộm gà, già trộm bò
            Ăn miếng chả, trả miếng nem
            Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
            Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì
            Khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời
            Đường đi hay tối, nói dối hay cùng…
 
Những câu không có vần, thường được đặt có đối, nên vần có nhạc và rất dễ nhớ.
            Rau nào sâu nấy
            Uống nước phải nhớ nguồn
            Ngọt mật, chết ruồi
            Lên voi xuống chó
            Khôn ba năm dại một giờ
            Đứng núi nầy trông núi nọ
            Ăn có nhai, nói có nghĩ
            Giang sơn nào anh hùng nấy
            Bán anh em xa mua láng giềng gần
            Có công mài sắt có ngày nên kim…
 
Một số câu không vần, không đối (tương đối rất ít) cũng không khó nhớ nên cũng được phổ biến dễ dàng:
            Nước đổ lá khoai
            Bới bèo ra bọ
            Cá lớn nuốt cá bé
            Con chị cõng con em
            Lá lành đùm lá rách
            Gần chùa gọi bụt bằng anh
            Vẽ đường cho hưu chạy
            Tránh voi chẳng xấu mặt nào
            Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén
Posted in Uncategorized | Leave a comment

TIẾNG VIỆT GIÀU NHẠC III – BÀNG BÁ LÂN

Cũng vì những ưu điểm nói trên, thêm tiếng Việt ta có sáu dấu thanh làm ra tiếng bằng tiếng trắc rõ ràng. Lại có bằng nhẹ bằng nặng, trắc thấp, trắc cao nên ngôn ngữ nước ta rất giàu nhạc. Người tốt giọng nói hay thì nghe như tiếng ti, tiếng trúc, trầm bổng, du dương, ngọt ngào, dễ mến. Ta hãy nghe cô gái Việt Nam trong ca dao, thỏ thẻ với người tình:
 
            Mình về cho chóng mà ra
            Kẻo em chờ đợi sương sa lạnh lùng
            Cơn lạnh còn có cơn nồng
            Khi đắp áo ngắn khi chung áo dài
 
            Và chàng quê nói với người bạn gái:
            Mình về mình nhớ ta chăng?
            Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
            Năm quan mua lấy miệng cười
            Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen
 
Biết bao nhiêu tình mến thương, lưu luyến chứa đựng trong những lời dịu dàng, ngọt ngào đầy nhạc ấy. Và còn nữa:
 
            Mình về mình nhớ bảo ta
            Để ta bớt bận đi ra tiễn mình
            Tiễn mình đến trước cửa đình
            Để ta than thở với mình vài câu
 
Nhưng phải được nghe cô thôn nữ "mời trầu" người cô thương mến mới thấy hết được cái dịu dàng, cái ngọt ngào của ngôn ngữ Việt Nam rất giàu nhạc chất:
 
            Đêm qua sáng trăng tờ mờ
            Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
            Vào vườn hái quả cau xanh
            Bổ ra làm bốn, mời anh xơi trầu
            Trầu này têm với vôi Tàu
            Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay
            Mời anh xơi miếng trầu này
            Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng
            Dù chẳng nên vợ nên chồng
            Xơi dăm ba miếng kẻo lòng nhớ thương!
 
Thật là dễ mến, dễ thương và tràn trề tình dân tộc. Vì "miếng trầu làm đầu câu chuyện", "miếng trầu làm duyên", phong tục nước ta từ ngàn xưa đã thành nền nếp. Cho nên khách đến chơi, người ta mời trầu nước ; đón thợ cấy , thợ gặt, người ta đặt miếng trầu, trai gái đi hát trong dịp hội hè mời nhau ăn trầu để làm duyên; ngay cả đến đại sự là hôn nhân cũng lấy trầu cau làm gốc (coi trầu chạm ngõ, trầu cau ăn hỏi, cơi trầu xin dâu)… Lối thơ ở đây, thật giàu nhạc. Nhất là bốn câu cuối với từ ngữ "dù" lập lại nhiều lần, với những vần trầm (này, nồng, chồng, lòng); thêm tình ý đậm đà, tha thiết, ai nghe mà chẳng cảm lòng, chẳng vui vẻ ăn "dăm ba miếng"… cho nàng mến thương. Ta có thể nói: tiếng Việt vốn giàu nhạc, tiếng Việt trong lục bát ca dao càng giàu nhạc hơn. Nét nhạc giản dị êm đềm, rất truyền cảm và rất dân tộc. Để làm sáng tỏ thêm điều này, ta hãy so sánh mấy bài ru của ta và của Pháp. Bài của Pháp là bài do Charles Trenet sáng tác. Tôi chọn bài này vì được dân Pháp cho là mới, là hay và khen là "một bản hát ru êm ái, dịu buồn" (une berceuse tendre et triste).
 
            Dors, mon petit frère,
            Maman n’est pas là
            Elle est aux Ameriques,
            Elle est dans les Pays-Bas
            Un jour elle reviendra
 
            Ngủ đi, em bé
            Má không có nhà
            Má đang ở Mỹ
            Má đang ở Hòa…
            Má sẽ trở về một ngày không xa
 
Và đây là hai bài của ta, cũng lời chị hát ru em và cũng thuộc loại mới được phổ biến:
 
            Em ơi, chị bảo em này…
            Em đừng có quấy kẻo thầy đánh cho
            Ngủ đi mà ngáy o o
            Bao giờ thức dậy, bầm cho bú bầm
            Em tôi ngoan lắm đây mà!
            Nó không có quấy như là đưa nao
            Đứa nào, đứa nảo, đứa nào
            Đứa nào hay quấy thì tao đánh đòn
 
Xin phần độc giả so sánh và quyết định hơn kém về ý, về lời cũng như về nhạc. Riêng soạn giả rất thích thú câu hát của ta về cả ba điểm đó (vì thật là nũng nịu, ngây thơ, đúng và hợp với giọng con trẻ), nên không dám đưa ra ý kiến, sợ có phần nào mắc lỗi chủ quan. Vì văn học dân gian của ta hay và giàu nhạc nên chính thi hào Nguyễn Du cũng đã vô tình chịu ảnh hưởng. Trong truyện Kiều, ông thường xử dụng thành ngữ, tục ngữ và đôi khi cả ca dao..
 
            Phải điều ăn xổi, ở thì
            Mạt cưa mướp đắng, đôi bên một phường
            Bây giờ mới nổi tam bành mụ lên
            Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma
            Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm
            Cho người thăm ván, bán thuyền biết tay
            Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi
            Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
            Dẫu rằng sông cạn đá mòn
            Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao?
            Bề ngoài thơn thớt nói cười
            Mà trong nham hiểm giết người không ao… v.v…
 
Do đó văn chương Truyện Kiều tuy là văn bác học mà rất gần đại chúng vì nhiều tính chất bình dân. Còn trong dân gian thì khỏi nói. Ai mà chẳng thường xử dụng cái vốn liếng dân tộc quý báu ấy trong ngôn ngữ thường ngày cũng như trong lúc tác văn. Vì thế, tiếng Việt được khen là êm ái, du dương, giàu thơ, giàu nhạc, tưởng cũng không là quá đáng.
 
Bàng Bá Lân
Posted in Uncategorized | Leave a comment

GIỚI THIỆU BÀI THƠ – THẦY NGUYỄN THẾ DIỆM

Giới thiệu bài thơ:

Hồi đầu thế kỷ 15, nhà Minh bên Trung Hoa sang Việt Nam đánh Hồ Quí Ly và xâm chiếm nước ta. Nguyễn Phi Khanh là thân phụ của Nguyễn Trãi bị giặc Minh bắt giải về Tàu cùng với một số quan lại khác của nhà Hồ.Nguyễn Trãi thương cha già nên đã theo hầu cha suốt quãng đường lên biên giới phương Bắc với ý định sang Trung quốc cùng cha sống cuộc đời lưu đầy nơi xứ người.
 
Thế nhưng khi tới biên giới Việt-Trung, Phi Khanh đã cương quyết khuyên con nên quay trở lại để ông ra đi một mình.Nguyễn Trãi đành lòng phải gạt nước mắt từ biệt cha già để trở về gia nhập cuộc khởi nghĩa chống Minh của Lê Lợi nơi rừng núi Lam Sơn. Ông là vị Quân Sư tài ba đã giúp Lê Lợi đại phá quân Minh, đem lại nền Độc Lập,Tự Chủ cho nước ta hồi đầu Thế Kỷ 15. Ông là vị Khai quốc công thần của nhà Hậu Lê;là người đã đem tài thao lược ra trả được thù nhà, nợ nước,và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
 
Bài thơ dưới đây xuất hiện vào đầu thế Kỷ 20, trong dòng thơ văn yêu nước với mục đích cổ động tinh thần chống Pháp,dựa vào sự kiện lịch sử kể trên để viết nên bài thơ yêu nước tuyệt tác này. Vì thời gian ra đời của bài thơ đã quá lâu, hơn nữa tôi không nhớ đã được in trong sách nào và tác giả là ai. Do đó, tôi xin cáo lỗi cùng nhà thơ, nếu người còn sống, và cũng xin cáo lỗi quí độc giả nếu có chữ hay câu thơ nào tôi ghi lại sai với nguyên tác. Theo tôi nghĩ, bài thơ này rất có giá trị trong thời kỳ chống Pháp và nó vẫn còn giá trị trong thời đại chúng ta ngày nay, nhất là với giới trẻ bởi vì dân tộc Việt Nam đang cần những đóng góp của họ hơn là việc lo riêng cho gia đình. Vì lý do đó, tôi mới có ý định giới thiệu bài thơ này đến các độc giả của VĐLN.
 
Nguyễn Thế Diệm

 
…Con hỡi con! con đừng khóc lóc,
Thói nữ nhi con học sao đang.
Khóc mà chết lũ tham tàn,
Khóc mà đem lại giang sơn nước nhà.
Khóc như thế mới là nên khóc
Không thời nghe tơ tóc nhời cha.
Con ơi! căm nỗi nước nhà,
Trông vào đau ruột, nói ra nghẹn lời.
Vua thì chỉ vui chơi cấm điện,
Có biết gì những chuyện thương dân!
Làm cho hao tán, cùng bần,
Mặc thây nòi giống, giữ phần vinh hoa.
Dân còn có lo xa chi nữa,
Chỉ cơm rau lần lữa qua thì;
Mặc thời khi thịnh, khi suy
Thương chi đến nước, nghĩ gì đến thân.
Họa vong quốc lần lần từ đó,
Quân thù Minh mới tỏ đường sang;
Một phen xung đột phũ phàng,
Mây che thành quách, khói tàn giang san.
Giống Hồng Lạc xẻ đàn,tan nghé,
Ngô cẩu kia xâu xé mặc dầu;
Giết người lấy của thiếu đâu
Vua quan vất vả, thuế sưu nặng nề.
Kẻ tai mắt ham bề tôi tớ,
Cõng rắn về để vớ gà nhà.
Mưu cầu hai chữ vinh hoa,
Còn như hai chữ nước nhà thờ ơ!
Cha thương nước lòng tơ bối rối,
Luồn cúi người học lối không quen
Nên người mang dạ ghét ghen,
Bắt cha nay phải qua miền Bắc Kinh.
Đường ngàn dặm gập ghềnh len lỏi
Tấm thân già càng nói càng thương,
Còn kìa non nước Nam phương,
Non Nùng khói uất, sông Thương mạch sầu.
Con trông đó, có đau không nhỉ?
Con ơi con! con nghĩ làm sao?
Nước non ta tự thủa nào,
Giống nòi chung giọt máu đào với nhau.
Con phải nghĩ trước sau cho trọn,
Bắt chước gì những bọn chi chi,
Đem thân vào lạy, ra quì,
Cân đai áo mãng ra gì mày râu!
Thân nô lệ thân trâu, thân ngựa
Có vinh gì mà cứ huênh hoang?
Con nên lấy đó làm gương,
Mà đem tâm huyết, mà thương nước nhà.
Dù nguy hiểm xông pha chớ ngại,
Chí tang bồng mới phải là trai.
Lại nên gắng sức ra tài,
Đường văn, lối võ, dùi mài cho thông.
Kìa trong chốn non xanh,nước biếc
Thiếu chi người hào kiệt tài năng
Rủ nhau thề một tiếng rằng:
“Thành sầu quyết phá cho bằng mới thôi”.
Được như thế ăn ngồi mới thỏa
Nước non nhà chung chạ hôm mai;
Còn non, còn nước, còn dài,
Còn trời, còn đất, còn nòi giống ta.
Cha nay đã tuổi già bóng hạc,
Con ơi con! Đang trạc thanh niên,
Khuyên con lập chí cho bền,
Trả xong thù nước là đền ơn cha.
Cha dù có non xa, nước thẳm
Chút hồn tàn khỏi ngậm ngùi oan,
Con ơi! gánh lấy giang san,
Thù nhà, nợ nước phải san cho bằng!
 
(Tác giả khuyết danh)

Posted in Uncategorized | Leave a comment

BÀI PHẢN BÁC THANH CHÂU, THẾ NHẬT VÀ TRẦN ĐÌNH THU – VÂN ĐÀI (蕓臺)

Vân Đài đã bỏ ra cả tuần lễ nghiên cứu các bài viết của Trần Đình Thu, đích thân liên lạc miền Nam nước Pháp tìm hiểu thực hư, chỉ để có một kết luận rất đơn giản:
 
1. Có đáng làm chăng cái công việc đi tìm tông tích T. T. Kh?
Cái nhà anh Trần Đình Thu này… dở hơi! Cái mấu chốt của vấn đề là T. T. Kh nghiã là cái gì thì không thấy nhà anh đề cập tới và giải thích! Toàn nói chuyện bâng quơ, hay là họ Trần muốn thành lập một hệ thống luận lý mới, phải vô lý mới… có lý?
 
Họ Trần sơ xuất ngay từ lúc đầu khi gọi T. T. Kh là một nghi án văn học.
  • Tại sao lại làm thành án?
  • Án này xét xử ai?
  • T. T. Kh đã phạm tội gì mà phải chịu xử án?
  • Để lại cho hàng triệu người yêu thơ những vần thơ tuyệt tác phải chăng là một cái tội khả tố?
  • Ký tên T. T. Kh hay ghi là Ẩn Danh há chẳng phải là quyền tự do của tác giả?
  • Một bài thơ hay vì tư tưởng, âm điệu, niêm luật, hay vì đời tư của tác giả?
  • Người ta yêu thơ hay yêu… tác giả?
Có cả hàng… tỉ câu hỏi mà họ Trần không hỏi, chỉ khăng khăng một câu, T. T. Kh là ai? Nếu xây dựng bài viết trên nguyên tắc này thì tại sao không lập thành nghi án cho những bài ca dao như như Tát Nước Đầu Đình, Nụ Tầm Xuân…? Phải chăng Trần Đình Thu đang làm một công việc… ruồi bu hay như T. T. Kh đã từng gọi là thóc mách!
 
2. Trần Đình Thu: Đi ra! Thế Nhật: Vô đây!
Thế Nhật, trong T. T. Kh, Nàng là ai? xuất bản năm 1994 cũng đã từng làm cái chuyện ruồi bu, thóc mách này rồi, mà làm khá hơn Trần Đình Thu một chút, nghiã là có bàn đến chữ tắt T. T. Kh, mặc dù lý luận của Thế Gia không thuyết phục lắm!
 
Thế Gia cho rằng
 
  • T. T. Kh là gì?
  • T chữ thứ nhất là TRẦN (THỊ VÂN CHUNG)
  • T chữ thứ hai là THANH (CHÂU)
  • Kh chữ thứ ba là KHÓC (LÓC)
Hmm. Buồn quá! Chắc Thế Gia hay ăn ốc lắm! Nếu chỉ đơn thuần kiếm chữ lắp vào ba cái chữ tắt T. T. Kh cho nó nghe xuôi tai thì nhiều lắm, đâu có phải gượng ép như vậy.
 
Sao không là
  • V. T. Kh (VÂN CHUNG, THANH CHÂU, KHÓC)?, Việt Nam có ai họ THANH bao giờ, nên nếu cái chữ T. thứ hai là THANH thì chữ T. thứ nhất phải là VÂN mới phải đạo chứ làm người chứ! Mà ở đây, VÂN CHUNG khóc thì cho là cũng có thể được đi, còn THANH CHÂU có thấy khóc miếng nào đâu, còn khoái là đàng khác nữa! Ủa, ủa, hư vinh mà!
Sao không là
  • T. T. Kh (TRẦN THỊ… KHẠC)?
Sao không là
  • T. T. Kh (TRẦN THIỆN KHIÊM)?
Sao không là
  • T. T. Kh (THẰNG… THANH KHỐN!)?
3. Bà Trần Thị Vân Chung và … Vân Đài.
Ngay sau khi cuốn sách T. T. Kh, Nàng là ai? ra mắt, Bà Trần Thị Vân Chung từ miền Nam nước Pháp có gởi thơ về xác định Bà không phải là T. T. Kh. Thế Nhật im tiếng từ ấy. Nay lại có Trần Đình Thu. Bao giờ các anh mới chịu dừng lại, thôi không soi mói đời tư của người khác? Các dữ kiện các anh có về Bà Vân Chung còn thiếu nhiều lắm.
 
Vân Đài đã từng có dịp được gặp Bà Vân Chung. Lúc ấy Bà thỉnh thoảng có ghé lại văn phòng Luật Sư Lê Ngọc Chấn, chồng Bà, ở số 33D Nguyễn Trung Trực, góc Gia Long, mở chung với Luật Sư Trần Thanh Hiệp, số điện thoại của văn phòng lúc ấy chỉ có năm số: 24496. Luật Sư   Ngọc Chấn, nay đã  mất. Luật Sư  Trần Thanh Hiệp hiện ở  Paris. Lúc ấy, Bà Vân Chung tươi trẻ, yêu đời và hai Ông Bà rất đằm thắm, chẳng có vẻ gì là
 
Biết đâu… tôi: một tâm hồn héo,
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi!
 
  • Ông Lê Ngọc Chấn, đã từng làm tri huyện. Đúng.
  • Dưới thời Đệ I Cộng Hòa, Ông làm Bộ Trưởng Quốc Phòng. Đúng!
  • Dưới thời Đệ I Cộng Hòa, Ông làm Luật Sư và được cử đi làm Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Anh Quốc.
  • Sau 1975, Ông làm… người tù cải tạo. Sau khi ra tù, Ông chết trước khi có cơ hội đoàn tụ với gia đình ở Pháp.
  • Bà Vân Chung gốc Thanh Hoá. Đúng.
  • Bà có làm thơ với nhiều bút hiệu. Đúng.
  • Bà đã từng là người yêu của Ông Thanh Châu. Cái này phải xét lại à nha.
Nếu quả thật có chuyện này thì Thanh Châu có điếc hay không mà không nghe người ta chửi mình
 
Từ đây, anh hãy bán thơ anh,
Còn để yên tôi với một mình.
Những cánh hoa lòng, hừ! đã ghét,
Thì đem mà đổi lấy hư vinh.
 
Vừa điếc lại vừa không có tự trọng, đi rêu rao ầm ĩ vợ người là người yêu của mình. Đó có phải là cách hành xử của những kẻ yêu nhau không? Rõ… dơ! Cái gì Thanh Châu cũng gật tuốt, chỉ trừ mỗi một điều: xác nhận T. T. Kh chính là Bà Trần Thị Vân Chung. Vì sao? Vì rằng chính Thanh Châu cũng không rõ nữa!
 
4. Đình Thu, Thế Nhật, Thanh Châu
 
Đình Thu, Thế Nhật, Thanh Châu,
Ai nghe họ nói, lắc đầu bỏ đi.
 
  • Trong ba người, Thanh Châu là người đáng khinh nhất.
  • Thế Nhật, làm cái chuyện không đáng làm, đụng chạm tới đời tư, danh dự người khác. Được lời lãi chi?
  • Trần Đình Thu,
Người ta đã bảo rằng không (1994),
Sao ông cứ cố… cuồng ngông lao vào (2006)?

Vân Đài (蕓臺), 20061002

Posted in Uncategorized | Leave a comment