TIẾNG VIỆT GIÀU NHẠC III – BÀNG BÁ LÂN

Cũng vì những ưu điểm nói trên, thêm tiếng Việt ta có sáu dấu thanh làm ra tiếng bằng tiếng trắc rõ ràng. Lại có bằng nhẹ bằng nặng, trắc thấp, trắc cao nên ngôn ngữ nước ta rất giàu nhạc. Người tốt giọng nói hay thì nghe như tiếng ti, tiếng trúc, trầm bổng, du dương, ngọt ngào, dễ mến. Ta hãy nghe cô gái Việt Nam trong ca dao, thỏ thẻ với người tình:
 
            Mình về cho chóng mà ra
            Kẻo em chờ đợi sương sa lạnh lùng
            Cơn lạnh còn có cơn nồng
            Khi đắp áo ngắn khi chung áo dài
 
            Và chàng quê nói với người bạn gái:
            Mình về mình nhớ ta chăng?
            Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
            Năm quan mua lấy miệng cười
            Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen
 
Biết bao nhiêu tình mến thương, lưu luyến chứa đựng trong những lời dịu dàng, ngọt ngào đầy nhạc ấy. Và còn nữa:
 
            Mình về mình nhớ bảo ta
            Để ta bớt bận đi ra tiễn mình
            Tiễn mình đến trước cửa đình
            Để ta than thở với mình vài câu
 
Nhưng phải được nghe cô thôn nữ "mời trầu" người cô thương mến mới thấy hết được cái dịu dàng, cái ngọt ngào của ngôn ngữ Việt Nam rất giàu nhạc chất:
 
            Đêm qua sáng trăng tờ mờ
            Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
            Vào vườn hái quả cau xanh
            Bổ ra làm bốn, mời anh xơi trầu
            Trầu này têm với vôi Tàu
            Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay
            Mời anh xơi miếng trầu này
            Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng
            Dù chẳng nên vợ nên chồng
            Xơi dăm ba miếng kẻo lòng nhớ thương!
 
Thật là dễ mến, dễ thương và tràn trề tình dân tộc. Vì "miếng trầu làm đầu câu chuyện", "miếng trầu làm duyên", phong tục nước ta từ ngàn xưa đã thành nền nếp. Cho nên khách đến chơi, người ta mời trầu nước ; đón thợ cấy , thợ gặt, người ta đặt miếng trầu, trai gái đi hát trong dịp hội hè mời nhau ăn trầu để làm duyên; ngay cả đến đại sự là hôn nhân cũng lấy trầu cau làm gốc (coi trầu chạm ngõ, trầu cau ăn hỏi, cơi trầu xin dâu)… Lối thơ ở đây, thật giàu nhạc. Nhất là bốn câu cuối với từ ngữ "dù" lập lại nhiều lần, với những vần trầm (này, nồng, chồng, lòng); thêm tình ý đậm đà, tha thiết, ai nghe mà chẳng cảm lòng, chẳng vui vẻ ăn "dăm ba miếng"… cho nàng mến thương. Ta có thể nói: tiếng Việt vốn giàu nhạc, tiếng Việt trong lục bát ca dao càng giàu nhạc hơn. Nét nhạc giản dị êm đềm, rất truyền cảm và rất dân tộc. Để làm sáng tỏ thêm điều này, ta hãy so sánh mấy bài ru của ta và của Pháp. Bài của Pháp là bài do Charles Trenet sáng tác. Tôi chọn bài này vì được dân Pháp cho là mới, là hay và khen là "một bản hát ru êm ái, dịu buồn" (une berceuse tendre et triste).
 
            Dors, mon petit frère,
            Maman n’est pas là
            Elle est aux Ameriques,
            Elle est dans les Pays-Bas
            Un jour elle reviendra
 
            Ngủ đi, em bé
            Má không có nhà
            Má đang ở Mỹ
            Má đang ở Hòa…
            Má sẽ trở về một ngày không xa
 
Và đây là hai bài của ta, cũng lời chị hát ru em và cũng thuộc loại mới được phổ biến:
 
            Em ơi, chị bảo em này…
            Em đừng có quấy kẻo thầy đánh cho
            Ngủ đi mà ngáy o o
            Bao giờ thức dậy, bầm cho bú bầm
            Em tôi ngoan lắm đây mà!
            Nó không có quấy như là đưa nao
            Đứa nào, đứa nảo, đứa nào
            Đứa nào hay quấy thì tao đánh đòn
 
Xin phần độc giả so sánh và quyết định hơn kém về ý, về lời cũng như về nhạc. Riêng soạn giả rất thích thú câu hát của ta về cả ba điểm đó (vì thật là nũng nịu, ngây thơ, đúng và hợp với giọng con trẻ), nên không dám đưa ra ý kiến, sợ có phần nào mắc lỗi chủ quan. Vì văn học dân gian của ta hay và giàu nhạc nên chính thi hào Nguyễn Du cũng đã vô tình chịu ảnh hưởng. Trong truyện Kiều, ông thường xử dụng thành ngữ, tục ngữ và đôi khi cả ca dao..
 
            Phải điều ăn xổi, ở thì
            Mạt cưa mướp đắng, đôi bên một phường
            Bây giờ mới nổi tam bành mụ lên
            Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma
            Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm
            Cho người thăm ván, bán thuyền biết tay
            Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi
            Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
            Dẫu rằng sông cạn đá mòn
            Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao?
            Bề ngoài thơn thớt nói cười
            Mà trong nham hiểm giết người không ao… v.v…
 
Do đó văn chương Truyện Kiều tuy là văn bác học mà rất gần đại chúng vì nhiều tính chất bình dân. Còn trong dân gian thì khỏi nói. Ai mà chẳng thường xử dụng cái vốn liếng dân tộc quý báu ấy trong ngôn ngữ thường ngày cũng như trong lúc tác văn. Vì thế, tiếng Việt được khen là êm ái, du dương, giàu thơ, giàu nhạc, tưởng cũng không là quá đáng.
 
Bàng Bá Lân
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a comment