TIẾNG VIỆT GIÀU NHẠC II – BÀNG BÁ LÂN

Ghen mà chỉ có một mình, không có đối tượng, không có tình địch ở trước mặt để mà trút giận hờn… thật vô cùng khó tả ! Thế mà Nguyễn Du chẳng những đã vượt qua được khó khăn đó mà còn vẽ ra được một Hoạn Thư ghen rất linh động với tất cả sự uất hận dồn nén, với những hành động thâm hiểm sắp làm… Nhạc thơ dồn dập, thêm những tiếng "làm cho" và "cho" lập đi lập lại nhiều lần, nghe như hơi thở gấp hổn hển của người đang tức giận, nghiến lợi, nghiến răng. Thúc Sinh và Thúy Kiều mà nghe được những lời này hẳn không khỏi bay hồn, mất vía! Hai thi hào của hai nước; một đang tả cái "vui", một đang tả cái "giận"; cả hai cũng dùng mỹ từ pháp (điệp ngữ) để diễn tả, để nhấn mạnh; ai thành công hơn ai xin nhường độc giả xét và phê phán, đồng thời định giá giùm cho cái khả năng của ngôn ngữ nước nhà. Cũng Victor Hugo có một câu thơ thật hay mà tôi nhớ mãi mặc dầu đọc đã lâu lắm và đã quên hết cả bài. Câu thơ tả một mục đồng đang để hết tâm thần thổi sáo, mắt nhắm lại. Nhắm chứ không lim dim, vì không phải mục đồng bằng xương bằng thịt mà là hình trong một bức chạm nổi (bas relief):
 
            Un pâtre, sur sa flûte, abaissant ses paupières
 
Vì yêu thích câu thơ đẹp, tả người chạm mà sống động như người thật, không tả tiếng sáo mà nghe như có tiếng sáo véo von (ý tại ngôn ngoại, nhờ nhắm mắt nói lên được sự xuất thần của người thổi sáo), nên tôi thử dịch thật sát nghĩa, có ý xem khả năng tiếng Việt ta thế nào? Câu dịch là:
 
            Mục đồng trên sáo, hạ đôi mi
 
Theo thiển ý là được. Nhưng có thể tôi chủ quan. Vậy xin độc giả so sánh và phê phán giúp. Nếu câu dịch không phản nguyên văn và nhất là nhạc thơ không đến nổi sút kém thì đó là nhờ cái hay của tiếng mẹ đẻ, chứ tôi thật chẳng có công sức gì. Trường hợp câu thơ của Xuân Sanh hồi còn trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Nhóm này chủ trương lối thơ bí hiểm, bị chê là "thơ hũ nút" (poesie hermetique). Câu thơ của Xuân Sanh:  Đáy đĩa, mùa đi nhịp hải hà nhiều người chê là tối nghĩa, không hiểu tác giả muốn nói gì! Riêng tôi lại thấy là hay vì từ ngữ mới, lối hàm súc và có nhạc. Cũng vì lời khen ấy mà nhiều lần bị yêu cầu giải thích. Và tôi đã giải thích – theo sự hiểu của mình – như thế này: Đĩa đây là thứ đĩa riêng đựng trái cây (compotier). Tác giả muốn nói rằng mùa nào, thức nấy, chỉ việc nhìn vào đĩa đựng trái cây là đủ thấy được bốn mùa trong năm lần lượt nối tiếp nhau đi qua, bằng một nhịp bao la, rộng lớn. Với các bạn thông hiểu tiếng Pháp – để cho lời giải thêm rõ ràng, dễ hiểu – tôi dịch câu ấy ra Pháp ngữ:
 
            … Au fond des compotiers, les saisons succèdent aux saisons d’un rythme immense.
 
Các bạn người cho là được, người khen là hay. Nhưng tôi thì thấy là chỉ dịch được, đúng như nghĩa mà tôi hiểu, còn nhạc thơ – so với nguyên văn – thật không bằng! Tại tiếng Việt ta giàu chăng? Để trả lời câu hỏi này, tôi xin được nêu ra dưới đây một số câu tục ngữ ca dao của ta với những câu ngạn ngữ tương đương của Pháp và Anh, để độc giả thử cân nhắc và quyết định:
 
            Vào lỗ hà, ra lỗ hổng
            (Ce qui vient de la flûte, s’en va part le tambour – Light come, light go)
 
            Nhà giàu nói đâu ra đấy
            Miệng kẻ sang có gang có thép
            Vai mang túi bạc kè kè,
            Nói quấy nói quá người nghe rầm rầm
            (Clef d’or ouvre toutes les portes – A full purse makes the mouth speak).
 
            Tốt hơn làm búa, chớ có làm đe;
            Làm ngựa kéo xe hơn làm xe ngựa
            (Mieux vaut être marteau qu’enclume; mieux vaut être cheval que charrette – Better be hunter than hunted; better lead than be led).
 
            Sai một li, đi một dặm
            Lộn con toán, bán con trâu
            (Faute d’un point, Martin perdit song âne – A miss is as good as a mile).
 
            Người có lúc vinh lúc nhục, nước có lúc đục lúc trong
            (Après la pluie, le beau temps; Après le flux, le reflux – a flow will have an ebb).
 
            Một sự nhịn, chín sự lành
            (Mieux vaut plier que rompre – Better bend than break).
 
            Cái khó bó cái khôn (Pauvreté rend humble – An empty sack cannot stand upright).
 
            Bắn súng không nên, phải đền đạn
            (Qui casse les verres les paie – Who breaks, pays).
 
            Dường đi hay tối, nói dối hay cùng
            (Le menteur ne va pas loin – A lie has no legs).
 
            Cười người chớ vội cười lâu;
            Cười người hôm trước hôm sau người cười
            (Rira bien qui rira le dernier; Qui rit samedi pleuera dimanche – Let them laugh that win).
 
Không biết độc giả nghĩ thế nào sau khi đã so sánh, cân nhắc? Riêng kẻ ngu này thì dù đã cố gắng khách quan để giữ vô tư tuyệt đối, vẫn cứ thấy là của mình hay hơn. Tại sao? Tại vì – không kể về ý tưởng – tục ngữ của ta phần nhiều có vần. Mà có vần thì có nhạc. Có vần có nhạc thì dễ thuộc, dễ nhớ, dễ phổ biến, dễ thông dụng. Phổ biến, thông dụng nhiều thì dễ trở thành ngôn ngữ của đại chúng và do đó làm thêm hay thêm đẹp cho tiếng nước nhà. Thật vậy, thành ngữ tục ngữ của ta rất phong phú và rất hay. Hay vì đúng, vì gợi hình, vì sống động, vì có vần, có nhạc. Xin kể một số câu làm thí dụ:
 
            Thành Ngữ:
            Láu táu như thuyền sáu chèo
            Bắng nhắng như nhặng cầu tiêu
            Lật đật như sa vật ông vải
            Lôi thôi như cá trôi sổ ruột
            Lừ đừ như ông từ vào đền v.v.
 
            Tục Ngữ:
            Tốt danh hơn lành áo
            Thề cá trê chui ống
            Phép vua thua lệ làng
            Quen mui bén mùi ăn mãi
            Con sâu làm rầu nồi canh
            Có đi, có lại mới toại lòng nhau
            Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo
            Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe…
 
Chẳng những có vần mà nhiều câu còn đặt có đối nữa, như:
 
            Ăn cây nào phải rào cây nấy
            Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
            Đói cho sạch rách cho thơm
            Bé trộm gà, già trộm bò
            Ăn miếng chả, trả miếng nem
            Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
            Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì
            Khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời
            Đường đi hay tối, nói dối hay cùng…
 
Những câu không có vần, thường được đặt có đối, nên vần có nhạc và rất dễ nhớ.
            Rau nào sâu nấy
            Uống nước phải nhớ nguồn
            Ngọt mật, chết ruồi
            Lên voi xuống chó
            Khôn ba năm dại một giờ
            Đứng núi nầy trông núi nọ
            Ăn có nhai, nói có nghĩ
            Giang sơn nào anh hùng nấy
            Bán anh em xa mua láng giềng gần
            Có công mài sắt có ngày nên kim…
 
Một số câu không vần, không đối (tương đối rất ít) cũng không khó nhớ nên cũng được phổ biến dễ dàng:
            Nước đổ lá khoai
            Bới bèo ra bọ
            Cá lớn nuốt cá bé
            Con chị cõng con em
            Lá lành đùm lá rách
            Gần chùa gọi bụt bằng anh
            Vẽ đường cho hưu chạy
            Tránh voi chẳng xấu mặt nào
            Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a comment