TIẾNG VIỆT GIÀU NHẠC I – BÀNG BÁ LÂN

TIẾNG VIỆT GIÀU NHẠC
Bàng Bá Lân
 
Thật là một ngôn ngữ êm ái, du dương, nhiều thơ nhiều nhạc".
Đó là nhận xét chung về ngôn ngữ Việt Nam của Hội Nghị Lưỡng Niên Thi Ca Quốc Tế lần thứ 11 tại Bỉ, chiều ngày 1/9/1974, mà chính chúng tôi được tai nghe mắt thấy. Cũng do sự việc đó, chúng tôi mới dám viết chương này; chứ khi không thì dù có ý nghĩ ấy cũng không tiện nói ra, vì e chẳng khỏi bi chê trách là chủ quan, thiên vị.
 
(…)
 
Ngôn ngữ ta đã được người ngoại quốc – qua sự việc kể trên – công nhận là êm ái, giàu nhạc và thơ. Vậy bây giờ, soạn giả xin đem cái thiển học và thiển kiến thử phân tích tìm hiểu xem tiếng Việt ta êm ái và giàu nhạc tính như thế nào? Có gì sai sót, mong được các bậc cao minh chỉ giáo.
 
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có câu tả chiếc xe ngựa đi trên đường xấu lồi lõm, gồ ghề:
 
            Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh
 
Câu thơ vừa gợi âm thanh (harmonie imitative), vừa gợi hình ảnh rõ rệt (style image). Ta như trông thấy vó ngựa bước thấp, bước cao và lắc lư, nghiêng ngả; đồng thời nghe rõ cả tiếng móng ngựa lộp cộp, tiếng bánh xe lọc-xọc… khiến người ngoại cuộc cũng thấy sự khó chịu của người ngồi trong xe bị xóc mạnh nhồi lên nhồi xuống và đường đi thật vất vả nhọc nhằn. Những từ ngữ "khấp khểnh", "gập ghềnh" khéo dùng, thích đáng làm cho câu thơ có nhạc. Điệu nhạc rất thích hợp, giúp cho diễn tả thêm linh động, rõ ràng. Cũng trong truyện Kiều, tả mùa hè, Nguyễn Du viết:
 
            Đầu tường, lửa lựu lập-lòe đâm bông
 
Hoa lựu nở vào mùa hè, màu đỏ chói trong đã nóng, lại thêm "lửa", rồi lại "lập lòe"… âm hưởng của bốn tiếng cũng bắt đầu bằng chữ "l" đặt liền nhau (lửa lựu lập lòe) khiến người đọc như "nghe" thấy hè về với cái nắng hừng hực, rung rinh, gay gắt. Trong bản dịch Chinh Phụ Ngâm, có câu tả chiến sĩ xuất trận rất đặc sắc nhờ nhạc:
 
            Giã nhà, đeo bức chiến bào,
            Thét roi cầu Vị ào ào gió Thu.
 
Những từ ngữ "thét roi", "ào ào" làm cho thơ vừa hùng, vừa gấp, trội hơn hẳn nguyên văn của Đặng Trần Côn:
 
            Tiện từ khuê khổn tòng chinh chiến,
            Tây phong minh tiên xuất Vi kiều.
 
Trong tập thơ "Lửa thiêng" của Huy Cận, bài "Đêm Mưa" cũng có nhiều câu giàu nhạc:
 
            Tai nương nước giọt mái nhà,
            Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
            Nghe đi rời rạc trong hồn
            Nhưng chân xa vắng dặm mòn lẻ loi
            Rơi rơi dìu dịu… Rơi rơi…
            …
            Gió về lòng rộng không che,
            Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư
 
Ta như nghe rõ tiếng mưa rơi đều đều (buồn buồn, rơi rơi, dìu dịu), tí tách (nương nước); lúc ào ạt (nằng nặng), thưa thớt (rời rạc) hòa cùng tiếng gió khuya lạnh lẽo (hơi… hiu hắt). Toàn thể bài thơ như một bản đàn bầu độc tấu, gợi được cái buồn thấm thía của một đêm mưa gió lạnh lùng. Với bài hát nói "Gặp cô đào cũ" của Dương Khuê, ta có thể nói là nhạc trong thơ Việt đã đạt tới cao độ. Bài này bắt đầu bằng bốn câu mưỡu kép:
 
            Nước nước biếc, non non xanh
            …
            Sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa
            Nhớ ai tháng đợi năm chờ
            Nhớ người năm ấy bây giờ là đây!
 
Hát ả đào bao giờ cũng có tiếng trống chầu và tiếng đàn, tiếng phách dạo lên trước…thì ở đây cũng vậy: âm thanh của những tiếng "nước nước biếc, non non xanh" nghe như tiếng trống chầu "chát chát chát, tom tom tom", và những tiếng "tình sớm, tình trưa) lập đi lập lại, xen lẫn nhau, nghe như tiếng đàn, tiếng phách dạo lên trước khi ca nhi cất tiếng… Về nhạc buồn trong thơ vần thì có lẽ ít có thơ vần nước nào gợi được cái buồn lạnh lẽo thấm thía, ghê rợn như bài "Chiêu hồn thập loại chúng sinh" của Nguyễn Du, nhất là được ngâm lên bằng cái giọng âm u, ma quái của các thầy cúng vào dịp lễ Vu lan (rằm tháng 7):
 
            Tiết tháng bảy, mưa dầm sùi sụt,
            Toát hơi may lạnh buốt xương khô
            Não người thay buổi chiều thu
            Hoa lau nhuộm bạc, lá ngô rụng vàng
            …
            Sống đã chịu một bề thảm thiết
            Ruột héo khô da rét căm căm
            Dãi dầu trong mấy muôn năm
            Thở than dưới đất, ăn nằm trên sương
            Nghe gà gáy kiếm đường lánh ẩn
            Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra
            Lôi thôi bồng trẻ, dắt già
            Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh
 
Nhạc thơ trầm buồn lại thêm những từ ngữ rất gợi (sùi sụt, toát, buốt, xương khô, não người, thảm thiết, héo khô, rét căm căm, dãi dầu, gà gáy, lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra, lôi thôi, bồng dắt, lại mà nghe kinh (khiến ta trông thấy như từng bầy từng lũ vô hồn đói rét, âm thầm, thất thểu kéo nhau đi trong đêm tối mưa bay, gió lạnh về phía có mùi nhang, lửa, tiếng mỏ, lời kinh để… ăn mày chút cháo lá đa, vài mảnh áo giấy. Ôi nhạc thơ sao mà buồn thảm, cái buồn âm u, quái đản! Ban nhạc nổi tiếng "Danse macabre" (Khiêu vũ ma) của Saint Saens cũng không gây được không khí và cái buồn ghê rợn như vậy. Chỉ trình bày, phân tích không, e có phần nào chủ quan và chưa đủ rõ. Vậy xin thử so sánh ta với người cho được sáng tỏ vấn đề hơn. Xin đưa ra vài thí dụ so sánh với văn chương Pháp, vì ngôn ngữ nước này được coi là sáng sủa, rành rẽ và được nhiều người trong chúng ta thấu hiểu. Tả nỗi hân hoan của Nã Phá Luân đê. I (Napoléon 1er) khi sinh được con trai đầu lòng với Marie Louise (chắc chắn có người nối ngôi và nối dõi) Victor Hugo để cho Napoléon nói như reo:
 
            L’avenir! L’avenir! L’avenir est à moi!
 
Tiếp đó, ông chêm một câu để cho biết "tương lai không của ai cả" mà do Thượng Đế an bài:
 
            Non, Sire, l’avenir est à personne!
 
Cũng dùng điệp ngữ cố ý (répétition voulue) để nhấn mạnh, Nguyễn Du tả cái ghen của Hoạn Thư khi nghe tin chồng ở Lâm Tri lấy vợ bé mà không cho mình biết:
 
            Làm cho nhìn chẳng được nhau,
            Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên.
            Làm cho trông thấy nhãn tiền,
            Cho người thăm ván, bán thuyền biết tay!
            …
            Làm cho… cho mệt, cho mê,
            Làm cho đau đớn, ê chề cho coi.
            Trước cho bõ ghét những người,
            Sau cho để một trò cười về sau!
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a comment